Kỳ 6: Đậy nắp “hố đen”
Khi thòng lọng vòng vây Sài Gòn của quân Giải phóng ngày càng khép chặt, khi thời điểm Quốc hội Mỹ quyết định cái giá cho di tản chưa đến, trước sức ép từ nhiều phía, Thiệu phải từ chức. Cuộc di tản khỏi Sài Gòn chính thức trở thành thảm họa đen trong lịch sử.
Những “chuyến bay đen”
Chỉ một, hai ngày sau khi Mỹ công bố các điều kiện có thể nhập cư vào Mỹ thì hằng trăm công dân Mỹ sống ở Hồng Kông. Bangkok, Singapour kéo đến Sài Gòn để kết hôn hay sống hợp pháp với những cô bạn nhỏ hoặc nhận nuôi những trẻ em Việt Nam. Bên cạnh những người tốt bụng, có khá nhiều kẻ lợi dụng việc nhận “nuôi" người Việt Nam để làm tiền, lấy vàng. Phải mất hàng nghìn đô la, mươi lạng vàng mới được họ bảo lãnh như thế. Lại còn nhiều binh lính trong quân đội Mỹ đã đào ngũ nhiều năm, nay bất ngờ xuất hiện trước sứ quán với những người phải nuôi, xin ghi tên tản cư. Kết qua chỉ trong một, hai ngày, danh sách người Mỹ xin ra đi lên tới hơn một nghìn người.
|
Người di tản Việt Nam lên CH-53 ở bãi đáp Lz39. |
Tướng Smith bắt đầu cho tản cư những người Việt Nam mà tính mạng dễ bị uy hiếp nhất. Chiều 15/4, tùy viên không quân, Đại tá Mc. Cardy, đã triển khai những "chuyến bay đen". Cardy thương lượng được với nhân viên an ninh Việt Nam ở Tân Sơn Nhất để cho người Việt Nam bí mật lén vào đường băng càng nhiều càng tốt. Để trả công, ông sẽ dành cho gia đình các sĩ quan những chỗ trên máy bay. Từ ngày 4/4, ngày nào cũng có 4 máy bay vận tải lớn chở người di tản đến căn cứ Clark ở Philippines, trong đó có nhiều chuyến bay lậu. Những máy bay này không chở người Việt Nam có vấn đề về chính trị mà chở bạn bè, thân thuộc của các sĩ quan phái bộ quân sự Mỹ. Những người không có giấy tờ muốn vượt được hàng rào sân bay phải đút lót cảnh sát quân sự khoảng 50.000 USD. Đối với những người Việt Nam không có bạn bè, người bảo lãnh và người Mỹ, thì giá chuyến đi đắt kinh khủng. Trong hai tuần, tiền đút lót để có một dấu xuất cảnh hay một hộ chiếu tăng từ năm trăm lên ba nghìn đô la. Giá vàng nhảy vọt 725 đô la một lạng. Chỉ trong năm ngày, trên chợ đen, giá một đô la đã tăng từ 1.200 lên 2.000 đồng.
Thiệu ra đi
Lúc này tình hình chính trị ở Sài Gòn rất hỗn loạn, trong khi đó các quan thầy Mỹ "đổ thêm dầu vào lửa". Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rêu rao những giả thuyến đen tối "nếu cộng sản nắm chính quyền thì có thể hai trăm nghìn người Việt Nam sẽ bị giết". Sáng hôm sau, tờ báo Pacific Starsand Stripes (tờ báo của quân đội Mỹ), xuất bản ở Sài Gòn, đăng lại lời tuyên bố ấy bằng chữ đậm, làm cho người dân miền Nam càng thêm hoảng sợ.
Trước tình hình ấy, Martin cho phép giám đốc vô tuyến truyền hình Mỹ CBS (Columbia Broadcasting System) bí mật tổ chức một cầu hàng không để di tản khoảng sáu trăm người Việt Nam. Các cơ quan tình báo, viên chức dân sự và quân sự Mỹ tranh nhau để được di tản sớm. Họ đưa ra nhiều lý do, nào là cấp bậc, nghề nghiệp, quyền lợi bản thân...
|
Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ bãi đáp trong khu DAO. |
Sáng 18/4, để làm yên lòng những người đối lập, Thiệu ra lệnh bắt, tống giam nhiều sĩ quan. Buổi chiều, Kỳ định tổ chức đảo chính, nhưng Martin đã thuyết phục được Kỳ không thực hiện. Đây là dịp may cho Thiệu.
Ngoài những người định lật đổ và Bắc Việt Nam, Thiệu còn vấp phải một vấn đề nữa, đó là tiền. Trước đó gần một tháng, ông ta đã gửi tàu thủy đi Đài Loan và Canada phần lớn gia tài và đồ đạc. Nhưng 16 tấn vàng đáng giá 120 triệu đôla chiếm gần hết dự trữ của nhà nước vẫn chưa được gửi đi. Trước đó, Thiệu định giữ kín và gửi đi Paris cho ngân hàng quốc tế, ở đấy đã giữ một phần vàng của Nam Việt Nam đáng giá năm triệu đôla. Nhưng mấy ngày trước khi gửi đi, một công tác viên của Martin cho là không thể tin được Thiệu, nên đã tố cáo với giới báo chí. Kết quả là các hãng Hàng không Thiệu điều đình để chở số vàng ấy đi, không nhận nữa. Martin khuyên Thiệu gửi vàng sang ngân hàng New York. Ngày 16/4, sứ quán điện về Nhà Trắng xin một chuyến máy bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đi New York. Nhưng không quân và ngân hàng New York không sẵn sàng bảo hiểm một tài sản lớn như thế gửi từ một nước đang có chiến tranh. Thế là vàng vẫn nằm nguyên trong kho ngân hàng quốc gia.
Cởi nút
Tối 21/4, Thiệu tuyên bố từ chức và giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Ngày 21/4, đô đốc Gayler cho cầu Hàng không hoạt động suốt 24 giờ, máy bay C-141 bay ban ngày, máy bay C-130 bay ban đêm. Thoạt đầu, mỗi máy bay chở một trăm người, nhưng sau hạn chế cho mỗi người chỉ được đem theo một va li nên chở được gấp đôi. Hơn 1.500 người Mỹ và Việt Nam, tăng gấp ba lần hôm trước, được di tản đến căn cứ không quân Clark ở Philippines trong 12 giờ. Ở đấy đã có hơn ba nghìn người tị nạn, họ ở trong một làng dựng tạm bằng nhà bạt trên sân chính của căn cứ, người ta gọi làng ấy là “ làng vui trên bãi cỏ”.
Hàng trăm người Việt Nam, ngồi trên ghế vải gấp, trước lãnh sự quán Mỹ chờ giấy tờ hoặc xin dấu xuất cảnh. Cả những người giàu có, tầng lớp đã Âu hóa cũng đánh nhau để dành một chỗ trong chuyến bay chở người tị nạn. Một số đông chưa hề bán mình cho CIA ngày nào, nay cũng sẵn sàng làm việc đó để được ra đi. Một tin đăng trên tờ Sài Gòn Post: “Nữ sinh viên trẻ, đẹp, 18 tuổi, đỗ tú tài, biết chơi dương cầm, con một gia đình khá giả, muốn làm con nuôi hoặc kết hôn với một người nước ngoài quốc tịch Mỹ, Pháp, Anh, Đức hay nước nào khác có thể đưa cô ta sống ở nước ngoài để tiếp tục học tập. Tiền phí tổn cô chịu...".
Sau khi Thiệu từ chức, nhịp độ tản cư tăng gấp đôi. Thứ ba, ngày 22, hơn ba nghìn người rời Sài Gòn nhờ phái bộ quân sự can thiệp. Như vậy từ đầu tháng đến nay đã có hơn mười nghìn người. Mỗi giờ có hai máy bay chở hàng Mỹ cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 22/4, theo đề nghị khẩn cấp của Kissinger, thượng nghị viện đã thông qua luật bãi bỏ những trở ngại cho 130.000 người nước ngoài từ Đông Dương vào nước Mỹ, trong số này có 50.000 người tính mạng bị uy hiếp. Bình thường, mỗi năm chỉ cấp cho một nước 20.000 hộ chiếu. Chiều 22/4, đám người tị nạn ở căn cứ không quân Clark ở Philippines tràn qua khu vực đón tiếp như nước vỡ bờ. Ngay sau đó, đảo Guam chuẩn bị đón mỗi ngày năm nghìn người tị nạn, sẵn sàng cho họ ăn, ở trong 90 ngày. Chỉ mấy giờ sau, những người tị nạn đã được đưa đến căn cứ không quân Anderson ở Guam, được ở trong những baraque bằng kim loại gọi là thành phố đồ hộp.
Thoạt tiên, các viên chức cơ quan nhập cư ở Guam và Clark áp dụng triệt để luật pháp. Giấy tờ của người tị nạn được kiểm tra, kiểm soát cẩn thận đề phòng nhầm lẫn và giấy giả. Tội phạm hình sự, gái điếm, người nghiện cần sa đều được vạch mặt và cho cách ly. Nhưng chỉ một, hai ngày sau, số người tị nạn quá đông, không còn kiểm soát, kiểm tra được gì nữa. Nếu làm việc cẩn thận như cũ thì các viên chức cơ quan nhập cư sẽ gây ách tắc và ngăn cản cầu hàng không hoạt động.