Ngay sau khi Mỹ có động thái quân sự căng thẳng với Syria từ đầu năm 2011, ngay lập tức Nga triển khai lực lượng quân sự tới đất nước Trung Đông này bởi đây được coi là khu vực gắn liền với lợi ích quốc gia Nga. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria chủ yếu nhằm đạt được một số mục đích chiến lược sau:
- Thứ nhất, bảo đảm lợi ích, duy trì ảnh hưởng đối với Syria và khu vực Trung Đông. Syria luôn được coi là đồng minh gần gũi, chỗ dựa chiến lược quan trọng của Nga tại khu vực Trung Đông, đồng thời cũng là quốc gia duy nhất Nga có căn cứ hải quân. Nếu Nga mất Syria, các tổ chức hồi giáo cực đoan có thể sẽ tiến vào Capcader, đe dọa sự ổn định phía Nam nước Nga. Đặc biệt, nếu mất căn cứ Tatus, Nga sẽ bị mất điểm đứng chân ở Trung Đông và bị hất khỏi Địa Trung Hải, ảnh hưởng đến mục tiêu chiến lược khôi phục vị thế, vai trò tại Trung Đông. Do đó, bằng mọi cách, Nga phải bảo vệ lợi ích tại Syria.
|
Máy bay Su-24 chuẩn bị không kích tại Syria. Ảnh: Militarytoday.com |
- Thứ hai, tiêu diệt IS, ngăn ngừa khủng bố cực đoan lây lan sang Nga và các khu vực tiếp giáp Nga, thực hiện chiến lược bảo vệ tổ quốc từ xa. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đến tháng 08/2016 có khoảng 2.000 tín đồ Hồi giáo đã gia nhập IS, đang tìm cách quay lại gây bất ổn cho Nga. Nga muốn ngăn ngừa từ xa, không để khủng bố quốc tế trở thành thách thức ngay trên lãnh thổ của mình. Do đó, hoạt động quân sự tại Syria giúp Nga giảm thiểu số lượng phần tử khủng bố xâm nhập vùng Cascasus qua đó giảm nguy cơ khủng bố bên trong nước Nga.
- Thứ ba, ngăn cản việc Mỹ thành lập một chính phủ thân phương Tây từ đó khiến Nga mất vai trò tại khu vực. Nga nhận thức một cách rõ ràng rằng, những biến động chính trị xã hội tại Trung Đông, Bắc Phi thời gian qua là hậu quả do Mỹ can dự nhằm từng bước xóa bỏ các chính phủ đối lập, dựng lên chính phủ mới có lợi cho đề án Trung Đông lớn mà Mỹ đang thực hiện.
Bên cạnh đó, việc Mỹ can dự sâu vào tình hình chính trị khu vực còn khiến Nga đứng trước nguy cơ mất ảnh hưởng chính trị tại đây. Vì thế, thái độ kiên quyết bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với vị thế của nước Nga trên thế giới trong nhiều năm tới mà còn có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cần được tôn trọng.
Chính vì vậy, kể từ thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Syria đầu năm 2011 đến nay, Nga kiên quyết ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Ngoài ra, hành động của Nga sẽ củng cố mối quan hệ, khẳng định Nga không bỏ các đồng minh Iran và Syria trong lúc khó khăn nhất.
|
Lực lượng IS tại Syria. Ảnh: BBC.com |
- Thứ tư, thử nghiệm, quảng bá vũ khí, trang bị mới, phô trường sức mạnh quân sự. Việc can thiệp quân sự vào Syria là cơ hội và điều kiện không thể tốt hơn cho Nga thử nghiệm các loại vũ khí mới. Nga đã đưa ra loại vũ khí tối tân nhất, thử nghiệm thành công trong chiến đấu. Điều đó cho phép Nga không phải chi phí nhiều mà vẫn phát hiện được những thiếu sót và khiếm khuyết của vũ khí để rồi hoàn thiện nó trong tương lai.
Ngay trong các ngày đầu của chiến dịch, Quân đội Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị mới chưa được kiểm nghiệm trên chiến trường như máy bay chiến đấu Su-34, tên lửa hành trình Kalibr, bom dẫn đường KAB-500s... với việc tiến công chính xác các mục tiêu của IS từ cự ly xa lên tới 1.500km bằng tên lửa hành trình phóng từ các tàu chiến trên biển Caspi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh một số đối tác truyền thống có chiều hướng chuộng vũ khí phương Tây, thì việc thực chiến hiệu quả tại Syria sẽ giúp vũ khí của Nga thu hút được nhiều sự quan tâm của các nước. Theo một số đánh giá, nhờ vào chiến dịch tại Syria, xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng từ 6 - 7 tỷ USD.
- Thứ năm, hạ thấp vai trò của Mỹ và phương Tây, hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi vấn đề Ukraine và buộc phương Tây điều chỉnh quan hệ với Nga. Gia tăng can dự vào Syria, Nga sẽ đẩy sự chú ý của dư luận quốc tế ra khỏi vấn đề Ukraine, gián tiếp gây sức ép, buộc phương Tây phải nhượng bộ trong vấn đề Ukraine, tháo gỡ những mâu thuẫn liên quan đến các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Nga. Khủng hoảng Syria còn là “con bài” để Nga giành lại ưu thế ngoại giao với phương Tây, có thêm lợi thế trong mặc cả với Mỹ về các vấn đề khu vực và quốc tế.