Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài Liên Xô thì nước láng giềng phía Bắc – Trung Quốc cũng giúp đỡ nhân dân Việt Nam rất nhiều về vũ khí, lương thực, thuốc men trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược. Đối với vấn đề viện trợ quân sự, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam rất nhiều súng trường, súng máy, tàu chiến cỡ nhỏ, xe tăng, xe thiết giáp.
Một trong những phương tiện bọc thép mà Trung Quốc viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam trong giai đoạn này là xe thiết giáp chở quân Type 63. Chúng bắt đầu được đưa vào Việt Nam từ năm 1971 và được Quân đội Nhân dân Việt Nam định danh lại là K63.
|
Bộ đội xe thiết giáp K63 trước giờ xuất trận.
|
Type 63 (định danh của nhà sản xuất YW-531) là loại xe thiết giáp chở quân do Nhà máy 618 (Tổng Công ty Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc) sản xuất, chính thức đi vào biên chế năm 1964. Đây là chiếc xe thiết giáp đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo mà không cần sự trợ giúp về kỹ thuật của Liên Xô. Với thiết kế đơn giản và tin cậy, Type 63 thường được so sánh với các loại xe thiết giáp cùng thời như M113 của Mỹ.
Theo các tài liệu đã được công khai, xe thiết giáp Type 63 có trọng lượng 12,6 tấn, dài 5,476m, rộng 2,978m, cao 2,58m với phần thân làm bằng thép hàn, chỗ dày nhất 14mm cho phép chống chọi hiệu quả đạn súng máy hạng nhẹ, mảnh đạn pháo.
Cơ bản thì thiết kế Type 63 là rất đơn giản, không có nhiều điều đặc biệt để nói tới. Bên trong xe ngoài cơ cấu lái, động cơ thì được bố trí thêm kính tiềm vọng để quan sát. Theo đó, Vị trí lái xe (ở phía trước, bên trái) có 2 kính tiềm vọng quan sát ban ngày, cho phép bao quát phía trước và bên phải xe, một trong những kính tiềm vọng đó có thể thay thế bằng thiết bị quan sát ban đêm. Vị trí trưởng xe (ở phía trước, bên phải) được trang bị một kính tiềm vọng có thể xoay 360 độ bố trí trên nóc xe. Ở một số biến thể, kíp xe còn có thành viên thứ 3 ngồi bên trái, phía sau lái xe và vị trí này cũng được trang bị kính tiềm vọng có thể xoay 360 độ.
|
Bộ đội ta ngồi trên xe thiết giáp K63.
|
Xe được trang bị động cơ diesel làm mát bằng không khí, công suất 320 mã lực cho tốc độ 65km/h trên đường bằng phẳng, tầm hoạt động 500km với bình xăng 450 lít. Xe có khả năng lội nước khá tốt bằng xích, ở trước thân có tấm chắn để cản nước, khi không cần thì gấp gọn tăng khả năng chống đạn ở mặt trước.
Về hỏa lực, ở giữa thân xe lắp giá vũ khí cho phép lắp đại liên Type 54 12,7mm (Trung Quốc chế tạo dựa theo mẫu DShK 12,7mm Liên Xô), có thể xoay đổi hướng 360 độ, góc ngẩng 90 độ. Tuy nhiên, xung quanh súng không có ụ thép như xe M113 của Mỹ cho nên xạ thủ rất dễ bị thương tổn trước vũ khí địch.
Xe thiết giáp chở quân Type 63 được bộ đội ta lần đầu sử dụng trong chiến dịch Giải phóng Cánh đồng Chum tháng 12/1971, tiếp đó là một loạt chiến dịch năm 1972.
Trong quá trình sử dụng, bộ đội ta đã sớm nhận ra nhược điểm của xe thiết giáp chở quân Type 63. Theo đó, khẩu súng 12,7mm nằm ở phía trước tuy có hỏa lực khá tốt nhưng hạn chế góc tà.
|
Nguyên mẫu súng đại liên K57 - súng máy SGM.
|
Trước tình hình đó, cán bộ quân giới miền (đơn vị nghiên cứu chế tạo, sửa chữa vũ khí quân giải phóng miền Nam) đã nghiên cứu và thực hiện đề tài cải tiến lắp súng đại liên K57 lên xe thiết giáp K63 do Trung Quốc sản xuất.
“Khắc phục nhược điểm trên, cán bộ kĩ thuật phòng Quân giới Miền đã cùng cán bộ công nhân xưởng OX1 nghiên cứu thiết kế giá súng, đồng thời khoét lỗ ở phía trước mũi xe để lắp thêm khẩu K57 có thể bắn mục tiêu từ 7m trở ra. Hai bên thành xe được mở thêm nhiều cửa nhỏ để bộ binh ngồi trên xe có thể sử dụng được tiểu liên AK và ném lựu đạn ra ngoài. Xe bọc thép K63 sau khi cải tiến, được đưa vào chiến đấu ngay, mang lại hiệu quả cao”, cuốn Lịch sử Kĩ thuật Quân sự (giản yếu) viết.
Trong đó, đại liên K57 có lẽ là định danh của Việt Nam dành cho khẩu súng máy hạng nặng Type 57 do Trung Quốc chế tạo dựa theo súng máy SGM Liên Xô. SGM là tên mới của khẩu súng máy hạng trung SG-43 Goryunov được Liên Xô chế tạo trong CTTG 2 (sau 1945 thì SG-43 đổi thành SGM).
Súng máy SGM nặng 13,8kg, dài 1,15m (riêng chiều dài nòng 720mm), cơ cấu nạp đạn bằng khí nén, dùng dây đạn 200-250 viên cỡ 7,62mm. Súng đạt tốc độ bắn cao nhất đến 500-700 phát/phút, tầm bắn xa nhất 1.100m, sơ tốc 800m/s. SGM có thể gắn vào bánh xe để di chuyển (nâng trọng lượng lên 41kg), hoặc đặt trên giá súng xe tăng.