Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vừa tổ chức bắn thử nghiệm tên lửa phòng không cải tiến đạt kết quả tốt. Sự thành công đó có đóng góp quan trọng của Nhà máy A31, Cục Kỹ thuật PK-KQ, nơi tiếp nhận công nghệ và trực tiếp thực hiện Dự án cải tiến tổ hợp Tên lửa Phòng không (cải tiến tên lửa phòng không tầm trung S-125 Pechora – PV).
Đại tá Trương Xuân Bách, Phó giám đốc Nhà máy A31, cho biết: “Lần bắn thử nghiệm, nghiệm thu tổ hợp tên lửa phòng không vừa rồi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là niềm tự hào lớn đối với mỗi cán bộ, công nhân viên nhà máy. Bởi các lần cải tiến tổ hợp Tên lửa Phòng không thời gian trước đều có chuyên gia nước ngoài cùng tham gia với các kỹ sư, công nhân nhà máy, nhưng lần này là do đơn vị thực hiện”.
|
Đạn tên lửa của tổ hợp phòng không nâng cấp S-125-2TM rời bệ phóng.
|
Việc cải tiến tổ hợp Tên lửa Phòng không được bắt đầu từ năm 2009. Sau khi nhận nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ giao thực hiện Dự án “Cải tiến tổ hợp TLPK và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa”, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy A31 xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, thực hiện trong thời gian dài, nội dung công việc phức tạp, nặng nhọc. Nghị quyết chuyên đề của đảng ủy, kế hoạch của ban giám đốc nhà máy đã đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, trong đó xác định rõ cần khắc phục triệt để khó khăn; tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện nhiệm vụ.
Tổ hợp tên lửa khi chưa cải tiến và sau khi cải tiến vẫn bao gồm các bộ phận chính: Trụ ăng-ten YBH, bệ phóng, hệ thống thiết bị quang học, nhưng trước cải tiến, bắt buộc phải sửa chữa tổng thể tổ hợp. Khó khăn đặt ra là các tổ hợp tên lửa phòng không đã qua nhiều năm sử dụng ở các đơn vị nên mức độ hỏng hóc rất lớn. Nhiều chi tiết cơ khí, bánh răng cong vênh; hệ thống gioăng đệm làm kín bị lão hóa, biến chất; tham số điện không ổn định...
Từ thực tế đó, nhà máy đã lựa chọn cán bộ có chuyên môn vững vàng nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia vũ khí nước ngoài, sau đó mời những chuyên gia đầu ngành về tên lửa phòng không của Quân chủng PK-KQ tới bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn thao tác, trao đổi kỹ năng xử lý các tình huống thường gặp khi sửa chữa, cải tiến, vận hành tổ hợp và các bước tăng hạn đạn tên lửa cho đội ngũ kỹ sư của nhà máy. Quá trình thực hiện các công đoạn, các đồng chí trong ban giám đốc trực tiếp xuống phân xưởng động viên và thực hiện công việc với cán bộ, công nhân, tạo động lực để mọi người cùng phấn đấu.
Thực hiện sửa chữa tổ hợp tên lửa trước cải tiến, nhà máy đã thay thế nhiều chi tiết lớn và sửa chữa vừa hệ thống vận hành các khối tủ điều khiển, tạo giả tín hiệu... Riêng đối với trụ ăng-ten, nhà máy thay thế toàn bộ hệ thống bánh răng, vòng bi, phớt, gioăng đệm giữa các khớp nối cơ khí, gioăng đệm ống dẫn sóng. Sửa chữa lớn hệ thống chuyển động mặt phẳng tà, phương vị; thay mới bánh răng của bệ phóng, cáp tín hiệu, tấm cao su chắn lửa… Việc sửa chữa trước cải tiến được tiến hành trong thời gian 3 tháng/1 tổ hợp.
Cải tiến thực hiện trong vòng 1 tháng/1 tổ hợp tên lửa phòng không. Sau khi cải tiến sẽ tiến hành tổng hiệu chỉnh gồm: Hiệu chỉnh các phần mềm điều khiển, hiệu chỉnh tuyến tên lửa, thực hiện hiệu chỉnh phần mềm kết nối giữa đài điều khiển tổ hợp với đài radar.
Đối với việc tăng hạn đạn tên lửa được thực hiện theo các công đoạn cụ thể: Sau khi các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ và một số đơn vị trong toàn quân liên hệ và vận chuyển đạn tới nhà máy, ban giám đốc sẽ phân công các kỹ sư đạn tên lửa có tay nghề chuyên môn cao kiểm tra xác định tình trạng kỹ thuật đối với từng quả đạn bằng hình thức siêu âm, khảo sát phát hiện khuyết tật, sau đó sửa chữa khối điện, thay thế thuốc phóng, thuốc mồi… sơn vỏ đạn, kiểm tra và tổng hiệu chỉnh.
|
Kỹ sư Nhà máy A31 hiệu chỉnh khối trung tần trụ ăng-ten YBH thuộc hệ thống radar điều khiển hỏa lực SNR-125-2TM thuộc tổ hợp phòng không S-125-2TM.
|
Để cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa, ban giám đốc nhà máy đã bổ sung nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại để kiểm tra mức độ hoạt động của thiết bị trong tổ hợp và phát động phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm”, qua đó, các phân xưởng của nhà máy có 12 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả trong quá trình cải tiến tổ hợp, giúp tiết kiệm vật tư, thời gian lao động, thao tác nhanh, an toàn. Điển hình như sáng kiến áp dụng giải pháp làm kín các đầu nối bằng phương pháp dùng dây a-mi-ăng cuốn cao su non…
Nhờ có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Dự án “Cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa” của cán bộ, nhân viên nên sau khi nhận bàn giao công nghệ từ nước ngoài, nhà máy đã làm chủ công nghệ tiên tiến hiện đại, khai thác, sử dụng các trang thiết bị có hiệu quả.
Việc cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, bảo đảm chính xác tuyệt đối. Tổ hợp tên lửa được cải tiến có khả năng cơ động cao, chống nhiễu tốt; vùng sát thương mở rộng, độ cao cực đại tiêu diệt mục tiêu trên không tăng, phù hợp với cách đánh của lực lượng phòng không trong tình hình mới. Đạn tên lửa tăng hạn sử dụng đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến.