Trao đổi với báo chí, lãnh đạo công ty Almaty cho biết, Việt Nam và Kazakhstan đã ký một biên bản ghi nhớ về việc cung cấp hệ thống mô phỏng huấn luyện xe tăng - thiết giáp.
“Hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ và sẽ có một biên bản nữa về việc xuất khẩu, đây mới chỉ là sự khởi đầu trong việc chúng tôi sẽ cung cấp các trang thiết bị sang Việt Nam”, ông Alexander Klimenko – lãnh đạo Almaty cho biết.
Phía Almaty đã giới thiệu nhiều thành tựu của mình cho phía đối tác Việt Nam. Cụ thể là hệ thống mô phỏng huấn luyện với đầy đủ các tính năng của máy bay trực thăng Mi-17, đặc biệt cả tính năng nhào lộn của Mi-17. Đáng lưu ý, phía Almaty cũng giới thiệu tới Việt Nam hệ thống mô phỏng huấn luyện với đầy đủ các tính năng cho xe tăng T-72.
|
Xe tăng T-90MS. |
Là một doanh nghiệp đứng đầu của Kazakhstan trong lĩnh vực này, cùng với việc công ty có thể hoàn tất tất cả các giai đoạn trong việc cho ra đời những sản phẩm hiện đại với chi phí cạnh tranh. Hiện Almaty đang sử dụng khoảng 200 chuyên gia trong nước.
Hiện tại, công ty có thể cho ra đời khoảng 20 bộ thiết bị mô phỏng huấn luyện xe tăng mỗi năm, nhưng trong trường hợp có thêm các đơn hàng mới, việc mở rộng sản xuất không thành vấn đề.
Trong những năm qua, Almaty đã cung cấp cho quân đội Kazakhstan khoảng 30 hệ thống mô phỏng huấn luyện xe tăng và một hệ thống mô phỏng huấn luyện máy bay trực thăng.
“Nhờ vào chính sách sửa đổi của chính phủ trong năm 2013, công ty chúng tôi đã thực hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn với các bộ quốc phòng của các nước như Bangladesh, Liên bang Nga và Việt Nam”, lãnh đạo Almaty trao đổi với báo giới.
Việc Việt Nam mua hệ thống lái tăng mô phỏng có thể là nhằm phục vụ huấn luyện chiến sĩ vận hành xe tăng thế hệ mới. Trước đó đã dấy lên nhiều thông tin đồn đoán cho là Việt Nam đã nhập khẩu các xe tăng T-90MS hiện đại.