Thương vụ Tu-22M3 không khả thi?
Gần đây, nhiều trang báo Trung Quốc và quốc tế đồng loạt đưa tin về việc nước này đã ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD mua dây chuyền sản xuất máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 của Nga.
Ông Richard Fisher, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế bày tỏ sự nghi ngờ đối với việc Nga bán lại những chiếc Tu-22M3 cho Trung Quốc. Theo ông này, Trung Quốc đã chọn nâng cấp H-6 thay vì mua Tu-22M3 từ những năm 2000.
Quân đội Trung Quốc đang nâng cấp máy bay tầm trung Tây An H-6 (sao chép thiết kế máy bay ném bom Tu-16) lên biến thể H-6K với một số cải tiến ở động cơ, khung thân.
|
Biến thể mới nhất dòng máy bay ném bom hạng trung H-6, H-6K. |
Biến thể H-6K sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Saturn D-30KP-2 nhập khẩu từ Nga thay cho động cơ WP-8. Ngoài ra, H-6K còn có các cửa hút không khí lớn hơn, khoang lái cũng được thiết kế lại. Hàng loạt nâng cấp giúp H-6K có tầm hoạt động lên đến 3.500km. Mẫu máy bay ném bom tầm trung mới của Trung Quốc cũng có thể mang được cả tên lửa không đối đất và tên lửa chống tàu.
Theo ông Fisher, Trung Quốc đã bắt đầu trang bị cho H-6K tên lửa chống tàu siêu thanh YJ-12 Eagle Strike có tầm bắn 400km. YJ-12 cũng được trang bị cho máy bay cường kích Tây An JH-7 cũng như tiêm kích đa năng J-11.
Nhà nghiên cứu Vasily Kashin tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow nhận định, hợp đồng Tu-22M3 rất khó có thể xảy ra. Ông này cho hay những tin đồn tương tự đã xuất hiện rải rác kể từ những năm 2000.
“Sự thật là dây chuyền sản xuất Tu-22M3 đã ngừng từ 20 năm trước. Khởi động lại dây chuyền sản xuất là có thể nhưng sẽ là một dự án lớn cần hàng tỷ USD đầu tư cũng như nghiên cứu”, ông Kashin nói.
Ông Kashin nói thêm, Không quân Nga đang có khoảng 50 máy bay ném bom Tu-22M3 không cần thiết và có thể bán lại cho Trung Quốc nhưng khả năng này là rất nhỏ.
|
Việc khôi phục dây chuyền sản xuất Tu-22M3 là "bất khả thi". |
Ông Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Heritage nêu ra 1 nguyên nhân khác khiến Trung Quốc không hứng thú với Tu-22M3. Đó là do mẫu cường kích JH-7 có các tính năng cũng như khả năng mang bom so sánh được với Tu-22M3, nhưng có diện tích phản xạ sóng radar nhỏ hơn Tu-22M3.
Nếu có thể, Trung Quốc sẽ muốn mua tên lửa chống tàu Raduga KSR-5 (NATO định danh AS-6 Kingfish) được Nga trang bị cho máy bay ném bom Tu-16 Badger.
“Tôi cho rằng Trung Quốc có hứng thú nhiều hơn với KSR-5 so với việc mua Tu-22. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể mua Tu-22 để lấy được AS-6 Kingfish. Giống như trước kia, người Nga chỉ bán tên lửa chống tàu siêu thanh SS-N-22 cho Trung Quốc sau khi nước này mua các tàu khu trục Sovremenny”, ông Cheng cho hay.
Thực tế thì đại diện Tập đoàn Rosoboronexport (Nga) đã lên tiếng bác bỏ thông tin thương vụ Trung Quốc mua dây chuyền sản xuất Tu-22M3.
Ngoài những tin tức liên quan tới Tu-22M3, cũng có nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể sắm máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-34.
Trung Quốc sẽ mua hay “nhái” Su-34
Nga đã giới thiệu Su-34 đến Trung Quốc như một mẫu máy bay có thể thực hiện hầu hết các chức năng của Tu-22 nhưng rẻ hơn, nhỏ hơn và tiên tiến hơn.
Ông Kashin nói rằng, Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) đã trưng bày Su-34 ở triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2012.
Máy bay cường kích Su-34 được thiết kế phát triển từ dòng tiêm kích huyền thoại Su-27. Máy bay có khả năng mang 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, bom và rocket. Máy bay có thể đạt tầm bay tới 4.500km ở chế độ tuần tiễu hoặc 1.130km trong chiến đấu.
Ông Kashin cũng nhận xét Su-34 có nhiều lợi thế hơn JH-7 bao gồm tầm xa hơn, hệ thống đối phó điện tử mạnh hơn, nhiều sự lựa chọn vũ khí, radar tối tân và điều kiện tốt cho phi hành đoàn.
|
Máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-34. |
Có vài lời chỉ trích đối với Su-34 ở Nga như việc sử dụng lớp bảo vệ nặng ở buồng lái Su-34 là không cần thiết khi máy bay luôn bay ở độ cao lớn.
Tuy nhiên theo ông Kashin: “Hiện nay Su-34 vẫn ở giai đoạn sản xuất đầu tiên và gặp nhiều khó khăn. Nhưng theo thời gian, nó sẽ trơn tru dần. Người Trung Quốc có thể quan tâm trong việc mua Su-34 để sử dụng chống lại các hệ thống phòng không của đối phương cũng như sử dụng một số bộ phận cho các máy bay chiến đấu nội địa”.
Theo vị chuyên gia này, nếu Nga bán tàu ngầm lớp Amur, Su-35 và tên lửa phòng không S-400, Trung Quốc sẽ thêm Su-34 vào danh sách mua hàng.
Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc bắt đầu sao chép lại mẫu Su-34 của Nga dưới tên gọi J-17. Theo ông Fisher, tất cả các động thái trên của Trung Quốc nhằm tránh việc phải mua Su-34 của Nga.
J-17 xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 1998. Một đoạn phim thể hiện một biến thể của SU-34 đang trong quá trình thử nghiệm trong hầm gió. Tuy nhiên chưa có thông tin chính thức nào được tiết lộ thêm. Cả chính phủ Trung Quốc và các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng đều không xác nhận thông tin trên.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: