Tìm hiểu loại tàu chiến Pháp có thể chào hàng Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Không loại trừ khả năng, chuyến thăm của tàu tuần tra L'Adroit của Hải quân Pháp tới Hải Phòng năm ngoái là nhằm mục đích chào hàng Việt Nam.

Trả lời tờ Defence News (Mỹ), Giám đốc điều hành Công ty Thales (Pháp) tuyên bố rằng, Indonesia sẽ là thị trường chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam cũng được xem là thị trường hợp tác kỹ thuật - quân sự đầy tiềm năng và triển vọng của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng theo vị này, Tập đoàn Airbus Helicopter và Tập đoàn MBDA của châu Âu (chi nhánh ở Pháp) cũng đang tìm kiếm hợp đồng ở Việt Nam. Đặc biệt, công ty đóng tàu hải quân danh tiếng của Pháp DCNS cũng cho biết sẽ tham gia đấu thầu để tìm kiếm được một hợp đồng đầu tiên ở Việt Nam.
Tàu tuần tra ven biển L'Adroit thuộc lớp Gowind trong chuyến thăm Hải Phòng năm ngoái.
Dù rằng, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam mua vũ khí do châu Âu chế tạo, điển hình là việc Việt Nam đã mua các hệ thống radar giám sát bờ biển, máy bay tuần thám biển CASA-212, tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 của Tập đoàn Damen (Hà Lan). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có thông tin việc nước Pháp mà cụ thể là Tập đoàn đóng tàu DCNS muốn cung cấp tàu chiến cho Việt Nam.
Tuy không tiết lộ thêm về thông tin sản phẩm mà DCNS muốn cung cấp cho Việt Nam, nhưng không loại trừ khả năng đó có thể là lớp tàu Gowind. Vì trong năm 2013, tàu tuần tra ven biển L'Adroit thuộc lớp Gowind của Pháp đã lần đầu có chuyến viếng thăm Việt Nam. Phía Hải quân Pháp khi đó đã mời cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam lên thăm và giới thiệu về tính năng, trang bị tàu.
Gowind là một lớp tàu chiến đa năng được thiết kế với 3 cấu hình khác nhau bao gồm: Tàu khu trục nhỏ, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tra ngoài khơi. Tàu được thiết kế theo dạng module nên việc chuyển đổi cấu hình nhiệm vụ cho tàu khá dễ dàng.
 Phần thượng tầng độc đáo tối ưu mạnh cho khả năng tàng hình.
Tàu có chiều dài từ 85-105m, lượng giãn nước dao động từ 1.000-2.500 tấn. Gowind thiết kế thủy động lực học khá độc đáo với khả năng tàng hình cao, tàu có cấu trúc thượng tầng khá lạ mắt với cấu trúc hình kim tự tháp, buồng chỉ huy được thiết kế dạng tam giác có phần mũi nhọn hướng về phía trước chứ không bằng phẳng như các tàu khác.
Thiết kế này được đánh giá có khả năng làm tán xạ sóng radar rất cao, điều này giúp tàu có tính năng tàng hình ưu việt hơn những tàu khác. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng trọng lượng 5 tấn, sàn đáp này có khả năng tiếp nhận trực thăng có tải trọng khoảng 10 tấn.
Riêng với cấu hình tàu hộ vệ tên lửa phần cấu trúc thượng tầng, tháp chỉ huy và nhà chứa trực thăng phía đuôi được thiết kế lại để phù hợp với cấu hình vũ khí. Trong gia đình tàu chiến lớp Gowind ấn tượng nhất là cấu hình tàu hộ vệ tên lửa.
Tàu có thiết kế thủy động lực học với khả năng tàng hình rất cao, toàn bộ hệ thống vũ khí đều được đưa vào bên trong thân tàu để giảm khả năng bị phát hiện, pháo hạm trước mũi cũng được thiết kế tối ưu hóa cho khả năng tàng hình.
 Hệ thống điều khiển bên tiện nghi, hiện đại bên trong tàu.
Cột buồm được thiết kế dạng kim tự tháp bên trong được trang bị radar trinh sát SMART-S Mk2 3D với phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên đến 250km với khả năng kiểm soát lên đến 500 mục tiêu. Ngoài ra tàu còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu quang điện TMEO Mk2 và radar điều khiển hỏa lực TMX/EO Mk2 do Rheinmetall của Đức sản xuất.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gowind được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu SETIS với khả năng tự động hóa cao cho phép đối phó hiệu quả với nhiều loại mục tiêu khác nhau. Cấu hình vũ khí của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gowind cũng rất ấn tượng.
 Hải pháo bắn nhanh 57mm.
Tàu được vũ trang 1 pháo hạm Bofors Mk 3 57 mm - đây là biến thể mới nhất của pháo hạm Bofors do BAE System của Anh sản xuất. Pháo có tốc độ bắn lên đến 220 viên/phút, tầm bắn tối đa 17km, tầm bắn hiệu quả 8,5km. Pháo có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu đường không hoặc tấn công các tàu chiến mặt nước.
Phía sau pháo hạm được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Sylver VLS với 16 ống phóng sử dụng đạn tên lửa phòng không MBDA VL-MICA tầm bắn 12km. Tên lửa được dẫn đường bằng radar chủ động hoặc hồng ngoại với khả năng chống nhiễu rất tốt.
Vũ khí chủ lực của tàu là 8 tên lửa chống tàu MBDA Exocet MM40 Block III đạt tầm bắn 180km, được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar chủ động. Tên lửa mang theo đầu đạn chất nổ mạnh nặng 165kg đủ sức nhấn chìm tàu chiến có tải trọng tới 5.000 tấn.
 Tên lửa hành trình chống tàu cận âm Exocet MM40 Block 3.
Bên cạnh khả năng chống tàu mặt nước mạnh mẽ, tàu hộ vệ tên lửa lớp Gowind còn có khả năng chống ngầm khá tốt với 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm 324mm với 3 ống phóng/cụm. Hai bên mạn tàu còn được trang bị 2 pháo tự động 30mm.
Tàu sử dụng hệ thống động lực diesel với công suất tùy thuộc vào cấu hình của tàu, hệ thống ống xả của động cơ không được thiết kế kiểu hướng lên trời như truyền thống mà xã ra ngang mặt nước. Thiết kế này vừa giúp làm giảm độ bộc lộ hồng ngoại của tàu vừa tăng khả năng quan sát 360 độ từ tháp chỉ huy. Tàu có tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/h, phạm vi hoạt động khoảng 5.000 hải lý.
Nhìn chung Gowind là một lớp tàu chiến hiện đại, đa năng đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn của chiến tranh hải quân hiện đại. Các tàu chiến do phương Tây sản xuất luôn nổi bật ở tính năng tàng hình và khả năng tự động hóa cao, đa năng trong thực hiện nhiệm vụ.
Bình Đức

Bình luận(0)