Tại phiên điều trần của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đài Loan, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan (NSB) Thái Đức Thắng tuyên bố, tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại nhất Trung Quốc Type 094 lớp Tấn cùng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 (trang bị trên tàu) đang trong quá trình phát triển hoặc thử nghiệm, chưa sẵn sàng phục vụ chiến đấu.
"Hiện vẫn chưa có tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Tấn cũng như tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm JL-2 nào được triển khai đến bất kỳ căn cứ nào của Trung Quốc. Chúng vẫn còn trong giai đoạn phát triển hoặc đang trải qua các cuộc thử nghiệm", Cục trưởng NSB Thái Đức Thắng phát biểu trong phiên điều trần.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn do Trung Quốc tự phát triển từ những năm 1990. Con tàu có lượng giãn nước khoảng 9.000 tấn (khi lặn), dài 133m. Tàu trang bị một lò phản ứng hạt nhân cho phép đạt tầm hoạt động không giới hạn.
|
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mạnh nhất Trung Quốc Type 094 rất ít khi đi lại. |
Kiểu dáng của tàu ngầm Type 094 được cho là khá giống với tàu ngầm Liên Xô từ những năm 1960. Nhưng khoang chứa tên lửa đạn đạo lại khá thô, nhô quá cao và hơi lớn nên khi lặn có thể tạo ra âm thanh lớn.
Con tàu trang bị 6 máy phóng ngư lôi và 12 ống phóng tên lửa thẳng đứng chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 (tầm bắn tới 8.000km, lắp phần chiến đấu kiểu MIRV chứa 3-4 đầu đạn hạt nhân).
Trong suốt một thời gian dài, Type 094 lớp Tấn được cho là chỉ nằm neo đậu một chỗ tại căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam. Điều đó làm dấy lên những nghi ngờ việc Type 094 gặp những lỗi kỹ thuật nào đó khiến nó không thể “đi lại nhiều”. Vì vậy, những nghi ngờ từ phía Đài Loan có lẽ là có cơ sở.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi từ nghị sĩ Lin Yu-fang thuộc Quốc Dân Đảng cầm quyền về những bước phát triển mới nhất của quân sự Trung Quốc, ông Thái tuyên bố Trung Quốc vẫn chưa thể triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 (DF-41) mới nhất nước này.
Loại tên lửa được cho là có khả năng đạt tầm bắn 12.000-14.000km, lắp phần chiến đấu kiểu MIRV (chứa 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập).
"Tất cả số vũ khí trên (tàu ngầm Type 094, tên lửa đạn đạo JL-2, DF-41) của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển", ông Thái nói.
|
Bệ phóng di động tên lửa đạn đạo chiến lược DF-41. |
Tuy vậy, ông này cũng tin rằng, với những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong phát triển công nghệ quốc phòng, khả năng sản xuất và triển khai thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong tương lai là rất cao.
Tất nhiên, cũng theo ông Thái, Trung Quốc sẽ có nguy cơ gặp khó khăn trong mỗi giai đoạn phát triển vũ khí hay thiết bị quân sự tiên tiến.
"Mặc dù Trung Quốc có khả năng giải quyết những vấn đề hoặc những khó khăn tốt hơn so với trước đây thì điều đó không đồng nghĩa với việc những khí tài do trong nước sản xuất có thể khả năng tác chiến giống như bản thiết kế ban đầu", Cục trưởng Thái nhận định.
Nghĩa là các thiết kế tàu ngầm, tên lửa Trung Quốc dù được sản xuất thành công nhưng đặc tính kỹ thuật có thể không đúng với yêu cầu ban đầu. Điều này đã từng xảy ra với một số thiết kế vũ khí Trung Quốc trước đây.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU