Cuối tuần trước, cuộc diễn tập hải quân chung của Nga và Trung Quốc đã bắt đầu ở Địa Trung hải. Đây là lần đầu tiên hai nước diễn tập hải quân ở vùng biển này. Tham gia diễn tập có tàu tuần dương nguyên tử mang tên lửa hạng nặng của Hạm đội Biển Bắc Đại đế Petr và tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành. Những tàu này đã đảm bảo an ninh cho chiến dịch của các lực lượng quốc tế chuyển chuyến vũ khí hóa học đầu tiên ra khỏi Syria.
Không thể loại trừ là cuộc diễn tập liên quan đến việc tiếp tục đảm bảo chiến dịch của quốc tế. Nhưng ở phương Tây đang hình thành một cách đánh giá chắc chắn là sự hiện diện quân sự của cả Trung Quốc, cả của Nga tại khu vực này sẽ là thường xuyên và có nguồn gốc sâu xa là do động cơ kinh tế.
|
Sĩ quan chỉ huy Nga, Trung trên tàu tuần dương tên lửa Hải quân Nga.
|
Moscow và Bắc Kinh không xác nhận, cũng không bác bỏ đánh giá này. Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga chỉ rõ, mục tiêu chính của cuộc diễn tập đã bắt đầu hôm 25/1 là “nâng cao trình độ phối hợp tác chiến của các tàu chiến Nga và Trung Quốc”. Trong quá trình diễn tập sẽ luyện tập các nhiệm vụ cùng cơ động, các chuyến bay của máy bay lên thẳng trên các tàu chiến…
Tàu hộ vệ Diêm Thành cùng các tàu chiến khác của Hải quân Trung Quốc đã từng luyện tập các nhiệm vụ như vậy với Hải quân Nga nửa năm trước ở vịnh Đại đế Petr trong cuộc diễn tập “Phối hợp hải quân 2013”. Khi đó mục đích diễn tập là chống khủng bố. Nhưng hiện nay những vấn đề quốc phòng và an ninh chung được luyện tập ở xa bờ biển Nga và Trung Quốc.
Ngoài hai tàu chiến đã nói ở trên, hai nước tập trung tại khu vực này những lực lượng hải quân đáng kể. Đại diện cho Nga ở đây là các tàu hộ vệ tên lửa Smetlivyi, các tàu trinh sát hạng trung Priazoviye và Admiral Fedor Golovin, tàu đổ bộ lớn Nikolai Filchenkov và hai con tàu đảm bảo. Ngoài ra, từ Hạm đội Biển Bắc các tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay Kuznetsov, tàu săn ngầm lớn Admiral Levchenko, tàu đổ bộ lớn Thợ mỏ Olenegorsk cùng ba tàu đảm bảo đang tiến về phía Đông Địa Trung hải. Còn từ hạm đội Biển Đen cùng lúc 5 tàu đổ bộ lớn đang tiến về khu vực này. Về phần mình, cụm tàu Địa Trung hải của Hải quân Trung Quốc, ngoài tàu hộ vệ Diêm Thanh, còn tàu đổ bộ vạn năng Type 071, một tàu khu trục tên lửa và các tàu đảm bảo.
|
Tàu tuần dương tên lửa Hải quân Nga trên Địa Trung Hải được trang bị kho vũ khí cực mạnh gồm tên lửa diệt tàu sân bay, tên lửa phòng không tầm xa S-300...
|
Rõ ràng những lực lượng mạnh như vậy là quá thừa để bảo vệ chiếc tàu Đan Mạch duy nhất hiện nay mang vũ khí hóa học của Syria. Thật ra, sắp tới, theo tuyên bố của tổng giám đốc Tổ chức cấm vũ khí hóa học Ahmet Uziumju, tại cảng Latakiya của Syria sẽ chất lên tàu chuyến vũ khí hóa học mới. Nhưng toàn bộ quá trình này, theo kế hoạch của OZKhO, sẽ phải kết thúc trước ngày 5/2/2014. Sau ngày này, nghĩa là ở giai đoạn hai, các thành phần của vũ khí hóa học sẽ được chở sang Italy, tại đó chúng sẽ được chuyển lên tàu vận tải quân sự của Mỹ để xử lý tiếp. Chắc là, tàu chiến của cả Nga, cả Trung Quốc sẽ không bảo vệ chiếc tàu này của Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, từ nay không chỉ tàu chiến của Nga, mà cả của Trung Quốc sẽ thường xuyên có mặt tại Địa Trung hải. Đồng thời họ cho việc khẳng định là mục tiêu chủ yếu của sự hiện diện này là sự ủng hộ về quân sự cho chế độ của Tổng thống Assad chỉ là chuyện hoang đường. Nguyên bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tin chắc rằng Nga và Trung Quốc ủng hộ Syria hoàn toàn xuất phát chỉ từ các động cơ kinh tế.
|
Sĩ quan Nga, Trung trao đổi.
|
Báo Độc lập (đăng tại số báo ngày 15/1/2014) đã đưa tin của các nhà phân tích Mỹ cho biết tại phía Đông Địa Trung hải đã phát hiện những dự trữ khí đốt lớn và các hãng Nga đã ký hợp đồng khái thác chúng (với Syria, Síp, Lebanon và Israel).
Các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đưa tin, rằng 4 năm gần đây thương mại giữa Syria và Trung Quốc đã tăng ba lần so với bốn năm trước và hiện đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc bán cho Damascus các loại vũ khí mới. Người Trung Quốc đang mua bất động sản ở Syria, cũng như ở các nước Địa Trung hải khác. Ví dụ, Trung Quốc sở hữu một phần bất động sản ở các cảng biển quan trọng đối với địa chính trị và kinh tế thế giới, như Port– Said ở Ai Cập, Peerei ở Hi Lạp, Neapol ở Italy. Các tàu chiến Trung Quốc đến Địa Trung hải từ tháng 10/2013 đã thăm các cảng này.
Cộng tác viên khoa học của Viện nghiên cứu Trung Quốc hiện đại ở Brusel Jonatan Holsag nhận xét, một số chuyên gia châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực an ninh lo ngại: Ở Neapol kho hàng của Trung Quốc “treo” ngay phía trên căn cứ chủ yếu của NATO ở Địa Trung hải.