Bao nhiêu xe tăng tham gia chiến dịch
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lớn nhất của bộ đội Tăng – Thiết giáp. Trong tập ký Theo vết xích xe tăng, Đại tá Đào Văn Xuân, nguyên Phó chỉnh ủy Binh chủng Tăng – Thiết giáp viết: “Gần như toàn bộ lực lượng chiến đấu của Binh chủng Tăng – Thiết giáp được tung vào trận quyết chiến chiến lược này, với tổng số 398 xe tăng và xe thiết giáp”.
Đại tá Xuân cũng cho biết về sự phân bố chi tiết của lực lượng Tăng – Thiết giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh gồm:
- Mũi tiến công hướng Bắc, trong đội hình của Quân đoàn 1 có Lữ đoàn 202 được bổ sung thêm một tiểu đoàn với tổng số 67 xe (gồm 35 xe tăng, 29 xe bọc thép và 3 pháo phòng không tự hành)
- Mũi tiến công hướng Tây Bắc, trong đội hình Quân đoàn 3 có Trung đoàn 273 vừa giải phóng Tây Nguyên với tổng số 83 xe (gồm 59 xe tăng và 24 thiết giáp)
|
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ta huy động tới 398 xe tăng - thiết giáp gồm đủ loại: T-54, Type 59, PT-76, K-63-85, BTR-60, K-63... |
- Mũi tiến công hướng Tây và Tây Nam, trong đội hình Binh đoàn 232, lực lượng tăng –thiết giáp có 81 xe (gồm 47 xe tăng, 33 thiết giáp và 1 xe cứu kéo).
- Mũi tiến công hướng Đông Bắc, trong đội hình Quân đoàn 4 có 3 tiểu đoàn tăng – thiết giáp có tổng số 69 xe (gồm 61 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 1 xe cứu kéo).
- Mũi tiến công hướng Đông, trong đội hình Quân đoàn 2 có lữ đoàn 203 với tổng số 81 xe (gồm 41 xe tăng, 34 thiết giáp và 1 xe cứu kéo). Ngoài ra, còn 17 xe tăng làm lực lượng dự bị chiến dịch.
Lữ đoàn 203 vào Dinh Độc Lập đầu tiên thế nào?
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 là đơn vị vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Mặc dù khi bắt đầu nổ súng chiến dịch, điểm xuất phát của họ xa hơn các đơn vị bạn rất nhiều. Đó là nhờ sự táo bạo áp dụng một chiến thuật được hình thành ngay trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng trước đó.
Đại tá Đào Văn Xuân kể: “Sau khi gặp các đơn vị xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, tìm hiểu tình hình, chúng tôi rất chú ý đến tình huống: Một đại đội của Tiểu đoàn 4 đi đầu đội hình tiến công, xe tăng tiến rất nhanh, đuổi địch chạy tán loạn trên đèo Hải Vân, chớp nhoáng vượt đèo đánh chiếm cầu Thuỷ Tứ, lính công binh của quân địch tháo chạy không kịp gài mìn phá cầu. Tình hình này làm cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Đồng thời cũng hé mở ra phương hướng sử dụng xe tăng trong tình thế mới: tập trung xe tăng - thiết giáp, tạo thành mũi đột kích mạnh, đánh địch trong hành tiến”.
Trước khi áp dụng vào Sài Gòn, phương án này đã có dịp thí nghiệm ở Phan Rang và Phan Thiết, cả hai lần đều thành công. Ngày 16/4, Quân đoàn 2 tiến đến tuyến phòng thủ Phan Rang của địch.
Hồi ký của Tư lệnh Quân đoàn 2 tướng Nguyễn Hữu An viết: “Dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn bộ binh 1 ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh lốp đi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85mm và phòng không 37mm cơ động trong đội hình, sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu mặt đất và trên không. Lữ đoàn pháo binh 164 đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Trước sức tấn công quá mạnh của ta, địch nhanh chóng tan rã sau 2 giờ chiến đấu mặc dù có tới hơn 10.000 người”.
|
Kíp xe tăng 843 của Lữ đoàn 203 tại Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975. |
Phát huy cách đánh mới, Quân đoàn 2 tiếp tục tổ chức một lực lượng thọc sâu để đánh vào Sài Gòn với toàn bộ sức mạnh của Lữ đoàn xe tăng 203.
“Tôi hạ lệnh cho lực lượng đột kích thọc sâu lập tức xuất kích. Dẫn đầu đội hình là phân đội xe tăng trinh sát chiến đấu và các Tiểu đoàn 1, 4, 5 cùng Lữ đoàn 203. Một số lính bộ binh của Tung đoàn 66 và chiến sĩ công binh hộ tống xe tăng ngồi trên xe. Tiếp theo là Tiểu đoàn bộ binh 7 (Trung đoàn 66), đại đội pháo nòng dài 85mm, tiểu đoàn cao xạ, đơn vị công binh và các bộ phận thọc sâu. Tiếp sau đội hình thọc sâu là Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) làm lực lượng dự bị mạnh. Số đầu xe của lực lượng thọc sâu tới 400 chiếc”, tướng Nguyễn Hữu An viết trong hồi ký.
Với lực lượng mạnh, sức đột kích cơ động lớn như vậy nên vào ngày 30/4/1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè đã thẳng tiến tới Dinh Độc Lập với sức mạnh không gì cản nổi. Do vậy, họ đã vào được Dinh Độc Lập sớm nhất.
Trong sự thành công của Quân đoàn 2, có vai trò to lớn của chiến thuật tập trung sức mạnh xe tăng thiết giáp, đánh địch trong hành tiến. Đó cũng là một bước phát triển mới của nghệ thuật sử dụng xe tăng trong chiến đấu ở Việt Nam.
Những tay lái điêu luyện
Mặc dù Quân đội Sài Gòn bị thua chạy quá nhanh, song trên đường rút lui cũng đã phá rất nhiều cầu cống hòng cản trở bước tiến của quân ta trên quốc lộ 1. Đường hành quân của Quân đoàn 2 phải qua 569 cây cầu, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn mà nhiều cầu như Câu Lâu, Bà Bầu, An Tân… đã bị đánh sập.
Trong khi đó, lực lượng công binh cầu phà của quân đoàn quá ít, chỉ đủ ghép bốn phà 50 tấn. Việc khắc phục những trở ngại đó, đưa xe tăng theo kịp đội hình để chiến đấu là yêu cầu cấp thiết.
Đại tá Nguyễn Chí Tam trong tập ký Theo vết xích xe tăng đã kể lại những kinh nghiệm đưa xe qua cầu yếu để đỡ tốn thời gian chờ phà.
“Tôi, anh Tùng và một số cán bộ tiểu đoàn, đại đội ra nghiên cứu chiếc cầu đầu tiên ở nam phà An Tân. Đây là một chiếc cầu sắt dài khoảng 70-80m, hai đầu cầu gối vào hai bờ. Đầu phía Bắc có một số chỗ lún trên đường. Hai đầu cầu đều không có biển ghi tải trọng. Tìm hiểu dân xem có thấy xe tăng M48 của Mỹ đã qua cầu này bao giờ chưa? Họ nói không.
|
Xe tăng T-55 lên phà tự hành GPS chuẩn bị vượt sông. |
Từ cầu An Tân vào đến Sài Gòn còn mấy chục cây cầu loại này, nếu mỗi lần lại chờ công binh làm phà bảo đảm thì không thể đưa xe tăng vào sớm được. Xe tăng đi chậm, đến muộn sẽ ảnh hưởng tới giờ nổ súng của Quân đoàn. Cần phải tìm cách đưa xe qua cầu yếu an toàn để rút ngắn thời gian.
Thời giờ gấp rút, cần phải liều lĩnh, ông Tam quyết đoán nói: “ theo kinh nghiệm của tôi, xe tăng ta qua cầu này được chỉ cần anh em làm đúng các động tác lái xe qua cầu”. Rồi sau đó, ông chọn một số lái xe giỏi và hướng dẫn mấy quy tắc lái xe: đi số thấp, vòng quay ổn định, không đột ngột tăng chân dầu… Cẩn thận hơn, ông lại quy định thêm phải mở cửa tháp pháo và hướng dẫn động tác thoát khỏi xe nếu cầu sập xe chìm.
Thời khắc cho chiếc xe đầu tiên qua, ông Tam viết: “Tôi ra lệnh cho xe đầu tiên qua. Xe tăng nổ máy từ từ lăn bánh, bắt đầu đè lên cây cầu, cầu rung lên, võng xuống, tôi căng mắt nhìn, xe tiếp tục đi cầu võng thêm rồi không võng nữa, toàn xe tăng đã nằm trên cầu. Xe tiếp tục chạy rồi vượt qua cầu an toàn. Tôi chạy lên đường reo lên “An toàn rồi, xe có thể qua cầu được rồi”.
Với kinh nghiệm vượt cầu ấy, 2 tiểu đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 đã đuổi kịp đội hình vào rạng sáng 24/4 sau khi đã vượt qua 900 km đường với nhiều cầu yếu. Đoàn xe đến điểm tập kết trước giờ bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh 63 giờ tạo điều kiện để Lữ đoàn 203 tập trung sức mạnh thành mũi thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập vào sáng 30/4/1975