Theo nguồn tin này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng phòng vệ nước này đã quyết định cho máy bay trinh sát P-3C trên đường trở về từ vùng biển Somalia ưu tiên ghé vào căn cứ quân sự các nước xung quanh Biển Đông.
Máy bay P-3C hiện bay qua lại từ Nhật Bản đến châu Phi ba tháng một lần để tham gia hoạt động tuần tra đa quốc gia chống cướp biển ngoài khơi Somalia. Trước đây, máy bay này được tiếp nhiên liệu ở các căn cứ thuộc Singapore và Thái Lan.
Từ tháng 2/2016, máy bay này sẽ được ưu tiên tiếp nhiên liệu tại ba căn cứ gần Biển Đông trên đường trở về Nhật. Đó là Cam Ranh của Việt Nam, Palawa của Philippines và Labuan của Malaysia. Bên cạnh đó, P-3C cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập hữu nghị tại Cam Ranh.
Máy bay tuần tra P-3C có năng lực do thám tối tân và động thái Nhật Bản đưa máy bay này tới căn cứ quân sự các nước ở Biển Đông cho thấy nhiều khả năng P-3C sẽ bay qua cả những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.
Động thái mới cũng được cho góp phần vào công cuộc bảo vệ tự do hàng không và cho phép Nhật Bản hỗ trợ hoạt động tuần tra của Mỹ theo cách của họ ở khu vực xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc ngang ngược bồi đắp tại Biển Đông.
|
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Nhật Bản. |
Trước khi Nhật Bản công khai kế hoạch này, hồi tháng 11/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề các hội nghị của ASEAN, và thảo luận về hành động xây các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Abe nói Nhật Bản thật sự lo ngại về mọi mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua những dự án lấn biển quy mô lớn hay xây dựng các cơ sở quân sự.
Về phần mình, ông Hun Sen cho biết Campuchia nghĩ rằng đối thoại giữa các nước liên quan cũng như xây dựng quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc là điều quan trọng.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng, Tokyo sẽ cân nhắc triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới Biển Đông khi nghiên cứu tác động của tình hình khu vực này với an ninh của chính Nhật Bản.
Những diễn biến trên Biển Đông đang làm dấy lên mối lo ngại của các nước. Ngay tại phiên khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Malaysia Najib Razak kêu gọi "tất cả các bên" kiềm chế, tránh các hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Về phía Việt Nam, cũng tại các hội nghị cấp cao của ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực;
nhấn mạnh các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thủ tướng đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); hoan nghênh các đề xuất và đóng góp xây dựng của các nước nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tờ The Straits Times dẫn lời quan chức ngoại giao Singapore Ong Heng Yong bày tỏ sự nghi ngờ Trung Quốc sẽ từ bỏ yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông. "Lập trường của Trung Quốc luôn luôn giữ và bảo vệ yêu sách chủ quyền của họ", ông nói.
Giáo sư Hoang Jing từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore nhận xét, sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đi song song với sự phát triển của Trung Quốc. Chỉ trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tăng đáng kể sức mạnh trong khu vực và còn tiếp tục gia tăng.
"Trung Quốc sẽ không và không thể che giấu khả năng ngày càng tăng để kiểm soát tình hình khu vực. Đó là lý do tại sao tranh chấp nhiều năm trên Biển Đông đã đột nhiên trở thành trung tâm va chạm quốc tế trong 3 - 4 năm qua", ông Hoang Jing bình luận.