Xây dựng một hạm đội cân bằng
Tàu buồm Lê Quý Đôn là một quyết định mua sắm khôn ngoan của Hải quân Nhân dân Việt Nam để cải thiện sự quá tải của đội tàu hải quân, ít nhất là trong ngắn hạn. Đồng thời, đây cũng là một phần trong nỗ lực “đa dạng hóa đội hình tàu hải quân” của Việt Nam, mà Phó Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân đã đề cập đến. Bằng cách này, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ đạt được sự cân bằng cần thiết của một lực lượng hải quân nước lục.
|
Tên lửa P-15 Termit thuộc tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh kiểu cũ của Hải quân Nhân dân Việt Nam |
So với lực lượng yếu kém của thời kì đầu những năm 1990, kết quả của nhiều thập kỉ Chiến tranh Lạnh, khi mà hải quân gặp nhiều khó khăn, Hải quân Nhân dân Việt Nam của hôm nay đã có những bước tiến đáng kể cả về chất lượng và số lượng. Tuy vậy, để hướng đến một lực lượng hải quân nước lục hiện đại thì còn là cả chặng đường dài.
- Thứ nhất, có nhiều lớp tàu đã lỗi thời và cần thay thế khẩn cấp.
- Thứ hai, có rất nhiều những lĩnh vực tác chiến cần quan tâm.
Hiện nay, Việt Nam dành trọng tâm nâng cao chất lượng tấn công nhằm vào nhóm các tàu mặt nước, mỗi lĩnh vực đã thu hút nhiều sự chú ý từ những năm 1990, đồng thời cũng phản ánh hiện thực nhiệm vụ của Hải quân Nhân dân Việt Nam sau đó.
Việt Nam dành những nguồn lực thích đáng để thay thế các tên lửa P-15 Termit (SS-N-2 Styx) từ thời Chiến tranh Lạnh bằng các tên lửa Kh-35 Uran (SS-N-25 Switchblade). Kh-35 Uran đã trở thành vũ khí diệt hạm tiêu chuẩn trên các tàu chiến đấu mặt nước của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
|
Tổ hợp tên lửa bờ biển 4K51 Rubezh. |
Không chỉ nâng cao chất lượng đội tàu mặt nước, Hà Nội cũng đặt mua hai tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P/Yakhont của Nga để bổ sung cho lực lượng tên lửa bờ biển có từ thời Chiến tranh Lạnh. Tương tự như vậy, các máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi, đặc biệt là các máy bay Su-30MK2V mới nhất cũng được tối ưu hóa để thực hiện các nhiệm vụ đối hải, mang tên lửa diệt hạm Kh-31 (AS-17 Krypton).
Bước sang thế kỷ 21, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường khả năng diệt hạm tàu mặt nước, Việt Nam cũng tập trung phát triển lực lượng tác chiến ngầm và chống ngầm. Điều này dẫn đến việc đặt mua 6 tàu ngầm Kilo cải tiến năm 2009 - đơn đặt hàng được cho là quan trọng nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam từ sau Chiến tranh Lạnh. Lữ đoàn tàu ngầm sẽ cho Việt Nam nhiều khả năng tác chiến mới.
- Thứ nhất, nó tăng cường khả năng răn đe của Việt Nam đối với hải quân đối phương.
- Thứ hai, bên cạnh khả năng chống tàu, các tên lửa Klub trên tàu ngầm của Việt Nam cũng cho phép thực hiện những nhiệm vụ tấn công đối đất ở mức độ nhất định.
|
Tàu tên lửa cao tốc Đề án 1241.8 Molniya của Hải quân Nhân dân Việt Nam |
Hiện nay, tiến độ đóng và bàn giao các tàu ngầm vẫn đang rất suôn sẻ. Dự kiến trong năm nay, chiếc tàu ngầm cuối cùng sẽ được chuyển cho Việt Nam, và đến đầu hoặc giữa năm 2017, lữ đoàn tàu ngầm sẽ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ một cách đầy đủ.
Việc xây dựng được cả một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại là một kì tích của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sau hai thập kỉ nỗ lực hiện đại hóa và đối mặt với những hạn chế về kinh phí, cũng như áp lực phải thay thế các trang bị loại cũ đã lạc hậu.
Cần rất nhiều thời gian và nỗ lực
Mặc dù có nhiều bước tiến quan trọng gần đây trong tác chiến chống hạm nổi và tàu ngầm, nhưng Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong các lĩnh vực khác.
- Thứ nhất, khả năng phòng không hạm đội vẫn còn yếu, nhất là sau khi chương trình tàu hộ vệ SIGMA được trang bị tên lửa phòng không VL-MICA đã bị dừng. Cũng chưa có kế hoạch để hiện đại hóa đội tàu quét mìn cũ kĩ từ thời Xô viết.
Trên thực tế, lực lượng này của Hải quân Nhân dân Việt Nam thường ít được ưu tiên, có lẽ là do mối đe dọa hải quân các nước thù địch đe dọa ngăn chặn tuyến đường biển là khá thấp.
|
Cán bộ chiến sĩ lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam |
- Thứ hai, một lĩnh vực mà Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng cần chú trọng là khả năng đổ bộ. Trong khi lực lượng hải quân đánh bộ đã được hiện đại hóa bằng hàng loạt vũ khí bộ binh kiểu mới cùng áo giáp, thì lực lượng này vẫn phải dựa vào các xe tăng lội nước và xe bọc thép chở quân từ thời Xô viết, cũng như các tàu đổ bộ kiểu cũ của Liên Xô và Mỹ.
Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay chỉ mới tự chủ được các tàu đổ bộ để hỗ trợ các đơn vị đồn trú ở đảo xa, chứ không phải là các cấu hình đổ bộ xung kích dành cho hải quân đánh bộ.
|
Máy bay tuần tra biển CASA-212 |
- Thứ ba, nhu cầu tuần tra hàng hải bằng máy bay cũng là một vấn đề với Hải quân Nhân dân Việt Nam. Các máy bay CASA-212 của Tây Ban Nha và thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter của Canada, với những cảm biến và trang thiết bị từ phương Tây và Isarel là chưa đủ để giám sát một vùng biển rộng lớn như biển Đông. Quan trọng hơn, đó là các máy bay này thiếu khả năng chống ngầm (ASW).
Một loại máy bay tuần tra hàng hải tầm xa (LRMPA) là rất cần thiết, nhưng Hà Nội đã tỏ ra không mặn mà với máy bay P-3C Orion của Mỹ. Loại máy bay vận tải C-295 hiện có trong biên chế cũng rất thích hợp cho việc chuyển đổi thành máy bay tuần tra hàng hải.
Song các máy bay C-295 được đặt mua để trang bị thay thế cho những chiếc Antonov từ thời Xô viết, nên khó có khả năng sẽ được dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển, trừ khi có thêm nhiều chiếc C-295 nữa được đặt mua (Bên cạnh phiên bản vận tải, chiếc C-295 cũng có những phiên bản tuần tra biển/chống ngầm).
|
Thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter |
Tuy vậy, dù sao thì năm 2016 cũng sẽ chứng kiến sự phát triển thú vị của Hải quân Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là khi tàu ngầm Kilo cải tiến cuối cùng được bàn giao, cũng như tàu buồm Lê Quý Đôn bước vào phục vụ trong các hoạt động trên vùng biển khu vực hay quốc tế. Và có thể trong vài năm tới, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ nhận thêm cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai, cũng như có thêm các tàu tên lửa tấn công nhanh tự đóng trong nước.
Trên tất cả, Việt Nam đang tiến từng bước vững chắc trên con đường hiện thức hóa lực lượng hải quân biển xa của mình, nếu như tiếp tục kiên định đường lối phát triển của mình, và có được hoàn cảnh chính trị quốc tế thuận lợi cho việc đa dạng hóa nguồn trang bị khí tài.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến lược cho Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng cần phải suy nghĩ nghiêm túc về chặng đường lâu dài để có thể duy trì lực lượng và đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nhằm đối phó với những nguy cơ trên biển đang ngày càng rõ ràng hiện nay.