Đầu tư mua sắm
Với các lực lượng khác trong quân đội, việc xây dựng hiện đại đang được tiến hành “từng bước”, song với Phòng không-Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Hải quân, thì việc xây dựng lực lượng được tiến hành theo hướng “tiến thẳng lên hiện đại”.
Tiến hành mua sắm các loại vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu phòng thủ, bảo vệ biển, đảo của Hải quân Việt Nam trong những năm gần đây là bước cụ thể hoá chủ trương xây dựng Hải quân "tiến thẳng lên hiện đại"..
Một trong những loại vũ khí hiện đại, được đầu tư mua sắm cho Hải quân, là cặp tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên Gepard 3.9, mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.
|
Cặp tàu Gepard 3.9 đã được đưa vào biên chế của Hải quân Việt Nam. Ảnh: QĐND |
Với loại tàu này, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân được nâng lên đáng kể, bởi số lượng vũ khí đồ sộ được trang bị trên đó, gồm: các ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E; pháo phòng thủ tầm gần 7 nòng 30mm AK-630; pháo hạm 76mm AK-176; hệ thống phòng không tầm thấp CIWS Palma; tên lửa phòng không 9M311.
Ngoài ra, Gepard 3.9 còn sở hữu các thông số đáng nể khác: tốc độ 21 hải lý/giờ; tầm hoạt động 5.000 hải lý, chịu được sóng gió.
Không chỉ đầu tư cho đội tàu mặt nước, Hải quân Việt Nam cũng đã mua sắm các tàu ngầm hiện đại lớp Kilo-636, trong khi tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các loại tàu ngầm đã được trang bị trước đây.
Sau các tàu ngầm 182-Hà Nội, 183-TP Hồ Chí Minh, 184-Hải Phòng, tháng 7 vừa qua, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ 4 là 185-Khánh Hoà.
|
Tàu ngầm 183-TP Hồ Chí Minh. |
Như vậy, 4 trong số 6 chiếc tàu ngầm Kilo đặt mua đã hiện diện trong lực lượng Hải quân Việt Nam.
Được mệnh danh “hố đen trong đại dương”, Kilo-636 thực sự là công cụ răn đe hữu hiệu với đối phương, bởi nó hoạt động với độ ồn rất nhỏ và được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như hệ thống tên lửa (chống hạm, đối đất, phòng không), ngư lôi; tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m; tầm hoạt động 6.000- 7.500 hải lý; thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm.
Phát huy nội lực
Đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá Hải quân, không dừng lại ở việc đầu tư mua sắm, Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thành công các loại tàu chiến hiện đại.
Đây là hướng đi mang tính chiến lược, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, vừa tăng tính chủ động của Hải quân trong huấn luyện làm chủ cũng như bảo đảm kỹ thuật cho tàu chiến.
Hiện, Tổng cục CNQP đã làm chủ được công nghệ sản xuất tàu pháo TT-400TP và tàu tên lửa hiện đại thuộc lớp 12418.
|
Chiếc tàu pháo TT-400TP thứ 3, khi còn trong xưởng đóng tàu. |
Loại tàu pháo “Made in Việt Nam” này có lượng giãn nước 480 tấn, dài 54,16m, rộng 9,16m; tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ; tầm hoạt động 2.500 hải lý, có thể hoạt động dài ngày trên biển; tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5, chạy trong điều kiện gió cấp 9, 10 và sóng cấp 8.
Tàu được trang bị pháo hạm AK-176 cỡ nòng 76,2mm, pháo phòng không cao tốc AK-630, đại liên 14,5mm, tên lửa phòng không tầm thấp Igla.
Sau khi sản xuất thành công, các tàu thực hành bắn kiểm tra hải đối hải, hải đối đất, hải đối không, đều phát huy tốt hoả lực.
|
Tàu pháo TT-400TP thực hành bắn nghiệm thu trên biển. |
Các nhà sản xuất trong nước đã thiết kế, sản xuất thành công các tàu tên lửa hiện đại lớp 12418.
Gần đây nhất Hải quân Việt nam đã nhận bàn giao 2 tàu tên lửa 379 và 380. Là tàu tên lửa tấn công nhanh, các tàu 379, 380 (trước đó là các tàu 377, 378) được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại: dàn phóng tên lửa Uran – E; dàn pháo hạm tự động AK- 176M; pháo 6 nòng tự động AK-630.
Cùng với phát triển ngành công nghiệp đóng tàu chiến, các nhà máy của Quân chủng Hải quân cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí có uy lực mạnh.
Vừa qua, các loại thuỷ lôi KMP, UĐM và mìn neo MN-01 đã được giới thiệu.
|
Thuỷ lôi UĐM do Quân chủng Hải quân sản xuất. |
Qua nghiệm thu trên bờ và trên biển, các loại vũ khí nói trên được đánh giá sẽ phát huy tốt tác dụng trong phòng thủ, bảo vệ biển, đảo.
Như vậy có thể thấy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Hải quân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, nhanh chóng nâng cao sức mạnh trong phòng thủ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.