Trong khuôn khổ triển lãm hàng hải quốc tế Vietship 2014 đang tổ chức tại Hà Nội, Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan) lần đầu tiên “hé lộ” 2 mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 đóng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Theo thông tin được Damen cung cấp tại triển lãm thì Sigma 9814 có chiều dài 99,91m, rộng 14,02m, mớn nước 3,75m, lượng giãn nước 2.150 tấn, số lượng thuyền viên 103 người.
Về mặt trang bị hỏa lực, hệ thống điện tử hàng hải thì Damen không công bố tại triển lãm, tuy nhiên theo quan sát mô hình thì có thể nói là hệ thống vũ khí - radar của Sigma 9814 rất hiện đại.
|
Một trong 2 mô hình tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma 9814 được Damen trưng bày tại Vietship 2014.
|
Hỏa lực tuyệt vời
Tàu hộ vệ Sigma 9814 dành cho Việt Nam trang bị biến thể mới của hệ thống pháo hải quân OTO Melara 76mm do Công ty OTO Melara Italy sản xuất. Điểm mới ở đây là tháp pháo được tối ưu cho việc giảm diện tích phản xạ sóng radar (RCS), tăng tính tàng hình chung của tàu trên mặt biển.
Pháo hải quân OTO Melara 76mm có tốc độ bắn rất cao phù hợp cho tác chiến phòng thủ điểm chống tên lửa tầm ngắn, chống máy bay, tàu mặt nước và đất liền (pháo kích bờ biển).
Loại pháo này có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau (đạn xuyên giáp, đạn nổ phá mảnh và thậm chí là đạn tự dẫn), tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn xa 16km với đạn nổ phá mảnh hoặc 40km với đạn tự dẫn tăng tầm (đang phát triển).
|
Tháp pháo OTO Melara 76,2mm và phía sau là 12 ống phóng thẳng đứng VLS.
|
Ở ngay phía sau pháo hải quân 76mm là bệ phóng thẳng đứng (12 ống phóng) được cho là trang bị hệ thống tên lửa đông không VL MICA – biến thể dùng trên hạm của tên lửa không đối không MICA do tập đoàn MBDA (Pháp) thiết kế sản xuất.
Đạn tên lửa của hệ thống VL MICA nặng 112kg gồm 2 biến thể: MICA RF lắp đầu tự dẫn radar chủ động AD4A với nón nhọn, hoạt động ở dải tần 10GHz tới 20GHz và MICA IR lắp đầu tự dẫn hồng ngoại bị động với kiểu mũi nón tròn. Hai hệ thống cảm biến được đánh giá có khả năng kháng nhiễu mạnh.
Cấu trúc phần thân tên lửa giống hệt biến thể không đối không MICA. Ở trên thân đươc lắp 4 cánh điều khiển hình chữ L. Đầu nổ phân mảnh nặng 12kg được lắp ngay sau khối đầu tự dẫn cùng ngòi nổ.
Kiến trúc hệ thống điều khiển của VL MICA cho phép nhận dữ liệu mục tiêu từ nhiều hệ thống cảm biến nên VL MICA có thể hoạt động độc lập hoặc tích hợp sâu vào mạng lưới phòng không rộng. Điều này có nghĩa là VL MICA có thể tiếp nhận dữ liệu mục tiêu từ SMART-S MK2 (trang bị trên tàu Sigma 9814) để tấn công mục tiêu trên không, gồm cả máy bay tàng hình.
Tên lửa lắp động đẩy tăng cường nhiên liệu rắn và động cơ hành trình cho phép đạt tốc độ hơn Mach 3, tầm bắn tối đa 10km (một số nguồn cho là 20-25km), độ cao diệt mục tiêu 9-11km.
|
Ngay sau đài chỉ huy và cột buồm chính là 2 bệ phóng tên lửa Exocet.
|
Hỏa lực diệt hạm chủ lực của Sigma 9814 là hệ thống tên lửa hành trình chống tàu cận âm MM40 Exocet Block III với 8 ống phóng được chia làm 2 bệ bắt chéo nhau đặt ngay sau đài chỉ huy trên thượng tầng.
MM40 Exocet được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động có tầm trinh sát 24km (cách mục tiêu như vậy thì radar tự kích hoạt dò tìm, khóa mục tiêu mà không cần sự can thiệp của tàu phóng), bên cạnh radar trong hành trình bay tên lửa có sự hỗ trợ từ hệ định vị quán tính và định vị toàn cầu.
Với biến thể MM40 Block III, nhờ áp dụng giải pháp công nghệ động cơ tuốc bin phản lực giúp tăng tầm bắn lên tới 180km, tốc độ Mach 0,9 nhưng trọng lượng giảm xuống chỉ còn khoảng 750kg, đầu đạn 155kg.
|
Bệ pháo phòng không tự động trên Sigma 9814.
|
Về loại pháo phòng không, quan sát mô hình mà Damen trưng bày thì ụ pháo phòng không đặt ở trước đài chỉ huy và thượng tầng đuôi tàu có thể là loại MARLIN-WS của OTO Melara. Trên bệ có thể lắp các cảm biến trinh sát ngày/đêm, đo xa lade, dùng pháo 25-30mm tùy yêu cầu khách hàng.
Đáng tiếc là 2 mô hình mà Damen trưng bày tại triển lãm không “tiết lộ” hệ thống ngư lôi chống tàu ngầm được bố trí tại đâu. Tuy nhiên, quan sát kỹ mô hình ở cả 2 mô hình đều xuất hiện cửa “lạ”, không loại trừ khả năng đó là cửa che cụm phóng ngư lôi chứa bên trong tàu. Ở dưới thân tàu đã xuất hiện mái che hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm.
Sigma 9814 chắc chắn có “mắt thần” bắt máy bay tàng hình
Về hệ thống điện tử, cả 2 mô hình Sigma 9814 Damen trưng bày đều có sự xuất hiện của hệ thống radar tối tân SMART-S MK-2 trên cột buồm chính. Như vậy, tàu Sigma 9814 của Việt Nam sẽ có khả năng phòng không rất tốt với sự kết hợp giữa SMART-S MK2 và VL MICA.
SMART-S MK2 là radar 3D đa chùm tia - mẫu thiết kế mới nhất của Thales Naval được dùng cho nhiệm vụ cảnh giới và giám sát tầm trung – xa, định vị được cả mục tiêu trên không và mục tiêu mặt nước.
Radar rất hiệu quả khi hoạt động trong điều kiện duyên hải phức tạp, với nhiều mục tiêu trên không và mặt nước, với thời tiết khắc nghiệt, cho phép phát hiện các hạm tàu nhỏ, máy bay trực thăng và tên lửa chống tàu.
|
Anten radar SMART-S MK2 trên đỉnh cột buồm và ngay dưới là anten hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2.
|
SMART-S MK2 là "người cộng sự tuyệt vời" với các đài radar điều khiển hỏa lực, với khả năng cung cấp tham số mục tiêu rất chính xác và nhanh chóng. Ngay cả trong trường hợp mục tiêu khuất dưới đường chân trời, radar vẫn có độ chính xác cao, hỗ trợ rất tốt cho những tên lửa “bắn và quên”. Radar cũng rất mạnh trong khả năng phát hiện mục tiêu bay, nhất là trực thăng.
SMART-S MK2 hoạt động ở 2 chế độ chính: quét mục tiêu ở tầm xa đến 150km khi anten quay với tốc độ 27 vòng/phút và tầm xa đến 250km khi anten quay với tốc độ 13,5 vòng/phút.
Radar có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay cách xa 200km và mục tiêu kích cỡ tên lửa cách xa 50km. Việc phát hiện và theo dõi mục tiêu hoàn toàn tự động, có thể theo dõi đồng thời 500 mục tiêu.
Đặc biệt nhất, SMART-S MK2 có khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình, nhờ xử lí Dopler, đo trực tiếp tốc độ xuyên tâm. Theo một số nguồn tin, tầm phát hiện mục tiêu tiêu tàng hình vào khoảng 50km.
Ngoài SMART-S MK2, trên nóc đài chỉ huy còn có sự xuất hiện của hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2 hỗ trợ hỏa lực pháo, tên lửa.
Còn theo thông tin từ truyền thông quốc tế thì tàu sẽ còn có hệ thống quản lý chiến đấu TACTICOS cùng nhiều hệ thống định vị, thông tin liên lạc khác.
Hai phương án Sigma 9814
Như đã đưa ra ở đầu bài viết, tại triển lãm, hãng đóng tàu Damen đưa tới 2 mô hình Sigma 9814. Điều này dấy lên suy đoán cho rằng, nhiều khả năng đây là 2 phương án để khách hàng (Việt Nam) lựa chọn hơn là mẫu chính thức sẽ được Damen đóng.
Ở 2 mẫu này, cơ bản thì kích thước cũng như là hệ thống hỏa lực có thể không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, phần thân tàu có nhiều điểm khác biệt, tập trung ở đuôi tàu với nhiều câu hỏi quanh nhà chứa máy bay.
|
Điểm khác biệt dễ nhận ra ở 2 mô hình Sigma 9814 tại Vietship 2014.
|
Theo quan sát của PV, ở đuôi chiếc tàu Sigma 9814 thứ nhất có cửa xếp hangar (nhà chứa máy bay) và cửa hông (chứa xuồng máy cao tốc). Tuy nhiên, kích thước của hangar này lá quá bé so với trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28. Vì thế, có rất ít khả năng chiếc hanger này là dành cho trực thăng Ka-28.
Trước đó đã có tin Việt Nam quan tâm tới việc mua UAV trực thăng S-100 do Thụy Điển chế tạo. Không loại trừ khả năng, phương án Sigma 9814 này sẽ có cả Kamov và S-100.
Về phần phương án thứ 2, gần như là hangar biến mất (thực tế vẫn có cửa nhỏ ở đuôi), không có cửa hông mà thay vào đó là “cửa lạ” – có thể là che đi hệ thống ngư lôi chống ngầm (?). Hai xuồng máy được đặt lên trên gần bệ pháo phòng không với các cột buồm thấp lắp cảm biến khác.
|
"Cửa lạ" (có thể cửa che bệ ngư lôi) ở chiếc thứ 1 nằm gần đài chỉ huy và thứ 2 nằm ở đuôi.
|
Với chiếc thứ nhất, “cửa lạ” – che bệ phóng ngư lôi được chuyển lên thân tàu ở phía đầu, dưới thượng tầng.
Không rõ giữa 2 phương án này thì có ưu – nhược điểm gì và liệu Việt Nam sẽ chọn phương án nào?