Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Đêm 30 và 31/1/1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị, quân ta đồng loạt tiến công vào
Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - VNCH bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
|
Quân giải phóng, quân biệt động, đặc công trước giờ xuất kích.
|
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu VNCH, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Riêng trận đánh Toà Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.
Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà Đèn, Ty Cảnh sát, Toà tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi.
|
Lính Mỹ thất thần, mệt mỏi trước sảnh Đại sứ quán tại Sài Gòn.
|
Tại Huế, chủ lực phối hợp với quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ… Sau đó địch phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25/2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm.
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, nhiều người hiểu Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta chỉ có ở Tết Mậu Thân, nhưng trên thực tế đây được xem như đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968, tạo thành tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.
Kết quả một năm tổng tiến công và nổi dậy, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20/12/1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, VNCH và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào
Đầu năm 1971, địch huy động lực lượng mở ba cuộc hành quân lớn đánh vào tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn, trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 Nam Lào có quy mô lớn nhất. Trong chiến dịch này, địch huy động 42.000 quân, lúc cao nhất đạt mức 55.000 quân (có 15.000 quân Mỹ), bao gồm 3 sư đoàn với tổng số 47 tiểu đoàn bộ binh, 460 xe tăng, xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay. Ngoài ra, còn có 9 tiểu đoàn thuộc hai binh đoàn cơ động (GM 30 và GM 33) quân phái hữu Lào ở phía tây đánh sang. Cuộc hành quân được sự hỗ trợ tối đa của pháo binh và không quân Mỹ.
|
Tiến công diệt địch.
|
Lực lượng Việt-Lào tham gia chiến dịch gồm có: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 4 tiểu đoàn
xe tăng, thiết giáp (177, 197, 241, 491); 4 trung đoàn pháo binh (368, 38, 45, 84); 4 trung đoàn phòng không (230, 237, 241, 491); 3 trung đoàn công binh (7, 83, 219), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; một số lực lượng chiến đấu tại chỗ của Đoàn 559; Mặt trận B4, B5; một số tiểu đoàn, đại đội độc lập chủ lực Bộ và địa phương Quân giải phóng nhân dân Lào.
Từ ngày 30/1 đến 7/2/1971, chính quyền VNCH đã điều động một bộ phận lớn binh lực ra vùng I chiến thuật; tổ chức hành quân chiếm lĩnh các địa bàn làm căn cứ xuất phát tiến công (Đông Hà, Ái Tử, Khe Sanh...); thực hiện nhiều hoạt động nghi binh chiến lược. Ngày 8/2/1971, một số đơn vị đối phương tổ chức vượt biên giới, tiến về phía khu vực Đường 9 - Nam Lào. Hàng chục trận địa pháo với hàng trăm khẩu bố trí dọc biên giới Việt Nam và Lào đồng loạt đánh phá dữ dội các mục tiêu, hỗ trợ cho các cánh quân bộ binh tiến công.
Sau khi tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch ở các điểm cao 316, 456, 500, 543, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Từ 12/2 đến 3/3/1971, chủ lực và đặc công Việt Nam đánh vào sở chỉ huy địch, diệt gọn các cụm cứ điểm then chốt trên điểm cao 500 và 543, đập tan cuộc phản kích lớn của lữ đoàn dù số 3 và trung đoàn thiết giáp số 17 của quân đội Việt Nam cộng hòa, bẻ gãy cánh quân ở phía bắc Đường 9, chặn đứng các mũi tiến công của đối phương. Ngày 13/3/1971, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch được lệnh gấp rút chuyển từ phản công sang tiến công trên toàn tuyến, đánh vào đội hình hành quân của địch.
|
Xe tăng T-34-85 của bộ đội ta tiến công địch.
|
Đến ngày 23/3/1971, trải qua hơn 50 ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt, được sự ủng hộ, phối hợp chiến đấu hiệu quả của quân dân các bộ tộc Lào, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã kết thúc thắng lợi với 21.102 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, bắn rơi và phá hủy 556
máy bay, phá hủy và bắn chìm 43 tàu và xà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới, 112 khẩu pháo và súng cối hạng nặng.
Những thắng lợi to lớn này đã tác động mạnh mẽ đến cục diện chung chiến trường ba nước Đông Dương, đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và “mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng”; đồng thời, tô thắm thêm tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam và Lào.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Tháng 3/1972, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã mở chiến dịch tiến công ở khu vực Bắc Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng địch, giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum, mở rộng vùng căn cứ phía tây Gia Lai, Đắc Lắc, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động lực lượng tương đương 1 quân đoàn, bao gồm 2 sư đoàn (320 và 2), 4 trung đoàn (66, 95, 28 và 24), 1 tiểu đoàn bộ binh, Trung đoàn đặc công 400, 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh, 6 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 đại đội tên lửa chống tăng B-72 cùng LLVT địa phương. Lúc này, lực lượng quân đội VNCH bố trí trên địa bàn chiến dịch có 2 sư đoàn bộ binh (22 và 23), 2 lữ đoàn dù, 2 liên đoàn biệt động quân, 10 chi đoàn thiết giáp, 10 tiểu đoàn pháo binh, 25 đại đội bảo an, 112 trung đội dân vệ, 3 đại đội thám báo và 30 đoàn bình định.
|
Đội hình xe tăng T-54 vận động tiến công Đắc Tô - Tân Cảnh.
|
Ngày 30/3/1972, chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở màn đồng loạt với các hướng tiến công chiến lược ở Bắc Quảng Trị, Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 5/6/1972, ta chủ động kết thúc chiến dịch, chuyển sang hoạt động chống phá bình định.
Trải qua hơn 2 tháng kiên trì đấu trí, đấu lực, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quân dân Mặt trận Tây Nguyên đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.400 địch, bắn rơi 207 máy bay, phá hủy 849 xe quân sự, thu 14 khẩu pháo, 13 xe tăng, xe bọc thép, 4 máy bay trực thăng, hơn 4.000 súng các loại; giải phóng khu vực bắc Kon Tum, góp phần phát triển thế và lực của ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972.
Nét đặc sắc của chiến dịch Bắc Tây Nguyên là nghệ thuật lập thế, nghi binh, kéo địch ra phía Tây sông Pô Cô để tiêu diệt, tạo điều kiện tập trung lực lượng đánh chiếm Đắc Tô - Tân Cảnh. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội xe tăng đã xuất hiện và phát huy sức mạnh đột kích trong những trận đánh công sự vững chắc.