Sau 16 tháng từ ngày tuyên bố độc lập, trong lúc chính quyền chưa được củng cố vững mạnh, xã hội chưa thật ổn định thì dân tộc ta đã phải đương đầu với chiến tranh. Núp bóng quân Anh, thực dân Pháp trắng trợn gây hấn ở Nam Bộ, Hải Phòng. Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ.
Đến cuối nǎm 1946, thực dân Pháp đã đưa vào Việt Nam nhiều đội quân nhà nghề, có kinh nghiệm chiến tranh xâm lược, trình độ tác chiến vượt trội và trang bị,
vũ khí tối tân, hiện đại. Trong khi đó, chúng ta chỉ có khoảng 8 vạn người với trang bị phần lớn là dáo mác, súng trường, súng kíp. Tuy quân số phát triển nhanh, nhưng chưa được huấn luyện kỹ, cán bộ chưa được đào tạo, huấn luyện nhiều. Trước vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng, ta đánh Pháp là "châu chấu đá voi".
|
"Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
|
Với phương châm: "kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính"; "vừa đánh vừa vũ trang thêm, vừa đánh vừa đào tạo thêm cán bộ" phải "bảo toàn thực lực, kháng chiến lâu dài", "Kháng chiến nhất định thắng lợi"; Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân ta đánh bại quân đội Pháp và sự can thiệp của Mỹ.
Mở đầu cuộc kháng chiến là cuộc tấn công đồng loạt vào quân địch trong các thành phố và thị xã. Tại thủ đô Hà Nội cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra ở từng thành phố, thị xã. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng cǎn nhà. Địch chiếm giữ các thành phố, thị xã, ta chủ động rút và đứng vững ở nông thôn, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Tháng 10/1947, địch mở đợt tấn công lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, hòng kết thúc chiến tranh. Với phương châm "tốc chiến, tốc thắng", địch huy động khoảng 20.000 quân viễn chinh Pháp, 40
máy bay và phần lớn lực lượng thuỷ quân và cơ giới tham gia chiến dịch.
|
Một đơn vị quân đội của ta trong kháng chiến chống Thực dân Pháp.
|
Triệt để lợi dụng yếu tố địa hình thuận lợi, bộ đội chủ lực phối lực với dân quan tự vệ đã chiến đấu dũng cảm, giữ vững quyền chủ động trong từng tình huống, từng trận đánh. Nhiều trận ta đánh cho địch không kịp viện binh, không kịp rút chạy. Sau hơn 200 trận đánh, chiến dịch Việt Bắc đã kết thúc thắng lợi, ta phá tan kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch. Việt Bắc trở thành mồ chôn giặc Pháp. Địch chuyển trọng điểm đánh chiếm Bắc Bộ quay về "bình định" Nam Bộ, từ tập trung tiêu diệt chủ lực của ta sang đánh phá cơ sở quần chúng và kinh tế của ta. Địch tǎng cường "bình định" vùng chiếm đóng, ráo riết xây dựng nguy quân, nguy quyền, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".
Để phá kế hoạch thâm độc của địch, ta chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Bộ đội chủ lực được phân tán thành các đại đội độc lập và các tiểu đoàn tập trung, phát động trong quân đội phong trào luyện quân lập công. Trong nǎm 1948, quân ta đã diệt hàng trǎm đôn bốt địch bằng nhiều hình thức tập kích bất ngờ, nội ứng, bức rút và mở một số chiến dịch, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai. Cùng với sự trưởng thành của bộ đội chủ lực, dân quân du kích được phát triển. Ta chú ý xây dựng các cǎn cứ và khu du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ cho nhân dân đứng dậy phá tề diệt ác, xây dựng chính quyền cơ sở. Vào thời điểm này, lực lượng của ta đã lớn mạnh, hàng loạt các đại đoàn chủ lực như 308, 316, 312 được thành lập.
|
Bác Hồ và các chiến sĩ quân báo trên đài quan sát trong Chiến dịch Biên giới 1950.
|
Tháng 9/1950, ta chủ động mở chiến dịch Biên giới và giành thắng lợi, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Chiến thắng này của ta đã phá thế bị bao vây, giành lại thế chủ động trên chiến trường, từ phương thức tác chiến chủ yếu là du kích chiến đã chuyển sang vận động chiến "công đồn diệt viện", từ đánh nhỏ tiến lên đánh vừa và đánh lớn giành thắng lợi lớn, mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951 ta liên tiếp mở ba chiến dịch đánh địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ba chiến dịch này tuy có giành được những thắng lợi mới, nhưng không thực hiện được ý đồ chiến lược, ta không làm chủ chiến trường Bắc Bộ.
Sau thất bại ở Biên giới, được sự viện trợ của Mỹ, Pháp vạch kế hoạch mới mang tên Đơ-lát Đờtátxi-nhi để đối phó với ta nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược. Địch tập trung lực lượng cơ động chiến lược lớn mở chiến dịch Lô-tuýt đánh chiếm Hoà Bình, nhằm tiêu diệt lực lượng ta, dựng lại hành lang Đông - Tây, chặn đường tiếp tế của ta từ Việt Bắc đi các chiến trường và tái lập xứ Mường tự trị. Thấy rõ ý đồ của địch, Trung ương Đảng ra chỉ thị nhằm phá tan cuộc hành quân này. Sau ba đợt chiến đấu từ ngày 25/11/1951 đến ngày 23/2/1952, chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi đã tạo ra các vùng giải phóng liên hoàn ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, làm phá sản ý đồ của giành lại thế chủ động trên chiến trường của địch.
|
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn thảo kế hoạch tác chiến cùng các cán bộ chỉ huy đơn vị vũ trang.
|
Tiếp tục được sự viện trợ tối đa của Mỹ, thực dân Pháp vạch kế hoạch Na-va khá tỉ mỉ, với quy mô rộng lớn nhằm chống phá cách mạng Việt Nam và Đông Dương, tiến tới "giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng để kết thúc chiến tranh". Tháng 9/1953, Bộ chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Ta chủ trương tập trung lực lượng tiến công vào các hướng chiến lược nơi địch yếu, đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do. Hướng tiến công chính là Tây Bắc và Thượng Lào. Ngày 6/12/1953, Bộ chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, quyết định tiêu diệt cǎn cứ phòng ngự kiên cố của địch. Lúc này, nhân dân ta đã sản xuất được hàng triệu vũ khí thô sơ. Du kích và bộ đội địa phương đã thu được 38.694
súng trường, 9.099 súng liên thanh các cỡ, 259 súng cối, 40 khẩu đại bác và 477 máy vô tuyến để tự trang bị.
Ngày 20/11/1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, và xây dựng nơi đây thành pháo đài bất khả xâm phạm. Tại đây, Pháp có 16.000 quân tinh nhuệ, được trang bị vũ khí tối tân và có 2 sân bay là Mường Thanh, Hồng Cúm. Chúng bố trí phòng ngự thành 3 phân khu. Phân khu Bắc gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Phân khu trung tâm gồm các cao điểm phía Đông, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh. Phân khu Nam gồm cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm.
|
Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch tuy nhiều hơn quân Pháp, song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế. Mặt khác, Pháp được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn thì khó có thể thắng địch.
Ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh", tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng những đợt tiến công ồ ạt. Song một đơn vị đại bác vào trận địa chậm, kế hoạch bị lộ nên lịch tấn công dời đến ngày 26/1. Ngày đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân", chuyển từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu bóc vỏ từng cứ điểm đối phương.
Để đánh Điện Biên Phủ, ta đã huy động 260.000 dân công, hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí. Quân đội Việt Minh cũng xây dựng được hệ thống giao thông hào chằng chịt hơn 400km, và ngày càng khép chặt vòng vây quân Pháp. 17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng, bắt đầu đợt 1 chiến dịch. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.
Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, ta tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Quân ta đã dùng chiến thuật đào hào bao vây, siết chặt quân địch. Sau một tháng chiến đấu, ta làm chủ nhiều cứ điểm khiến quân Pháp ngày càng thất thế trên chiến trường Điện Biên Phủ, phải chờ tiếp viện của Mỹ.
Ngày 1/5, quân ta mở đợt tấn công lần 3, đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Đêm 6/5, quân đội Việt Nam phải dùng thuốc nổ bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được quả đồi.
17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
|
Ngày 8/5/1954, Pháp buộc phải ngồi vào vòng đàm phán tại Geneva để bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân pháp xâm lược và can thiệp Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Trong gần 9 năm theo đuổi chiến tranh xâm lược Đông Dương, hơn 50 vạn lính Pháp và tay sai bị tiêu diệt, bị thương và bị bắt. Pháp đã tiêu tốn gần 3.000 tỷ frăng cho cuộc chiến này.
Cuộc kháng chiến chống pháp thắng lợi ta đã buộc pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Đông Dương, làm thất bại âm mưu quốc tế hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ, chấm dứt ách thống trị thực dân kiểu cũ của pháp gần 1 thế kỷ trên đất nước ta.
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng miền Bắc, hoàn thành cơ bản cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, mở ra thời kỳ mới xây dựng CNXH và miền Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, là hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tạo điều kiện để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi là kết quả của “Châu chấu đá voi lòi ruột”. Bởi thắng lợi ấy của nhân dân ta đã giáng 1 đòn mạnh mẽ và chí mạng vào hệ thống thực dân, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trước hết là các nước A, Phi. Thắng lợi ấy đã chứng minh chân lý của thời đại: Trong điều kiện ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, được sự ủng hộ của quốc tế thì dân tộc đó hoàn toàn thắng lợi.