MiG-21 4324 hiện được trưng bày ngay gần cổng ra vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội). Theo báo
Quân đội Nhân dân, MiG-21 4324 được
Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967, ngày 9/1 cùng năm nó được biên chế cho Trung đoàn 921 Sao Đỏ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, MiG-21 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần. Chỉ trong năm 1967, 9 phi công của Trung đoàn không quân 921 đã thay nhau trực ban chiến đấu và lần lượt cùng chiếc 4324 xuất kích chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay các loại của Đế quốc Mỹ.
Có 9 phi công đã lập công cùng với MiG-21 số hiệu 4324. Đáng chú ý, có 5 phi công tiêu diệt 2 máy bay địch khi xuất kích cùng "én bạc" là: Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc và Nguyễn Đăng Kính. 4 phi công cùng có 1 lần lập công với "én bạc" là: Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Văn Lý, Đặng Ngọc Ngự và Vũ Ngọc Đỉnh.
|
Chiếc MiG-21 4324 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
|
Trong đó, người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên. Ngày 30/4/1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm”
F-105 trên bầu trời Bắc Thái. Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.
Theo một số tài liệu khác, chiếc MiG-21 4324 thuộc biến thể MiG-21PF - đây được xem là thế hệ 2 của dòng tiêm kích huyền thoại MiG-21 được chế tạo trong giai đoạn 1961-1966 với một loạt các biến thể nhỏ (MiG-21PFL, MiG-21PFS, MiG-21PFM...).
|
Một ngôi sao tương ứng với một máy bay địch bị hạ.
|
MiG-21PF được ra mắt năm 1961 (NATO định danh là Fishbed-D), là biến thể đánh chặn trong mọi điều kiện thời tiết. Điểm cải tiến chủ yếu là máy bay được trang bị động cơ tuốc bin phản lực R11F2-300 cùng
radar điều khiển hỏa lực RP-21.
Về hỏa lực, đời MiG-21PF không được trang bị pháo 23 hay 30mm, chỉ có 2 giá treo trên cánh cho phép mang 2 đạn đối không tầm nhiệt K-13 hoặc rocket 57mm, bom FAB-100-250.