Góp tài sản xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí
Ra đời trong bối cảnh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Nhà nước Công nông đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách trước thù trong, giặc ngoài và giặc đói, giặc dốt hoành hành, Ngành Quân giới bắt đầu từ “con số 0”: Không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản như điện, hoá chất, luyện kim...; không có các thiết bị công nghệ sản xuất quốc phòng; không có các loại vật tư, nguyên liệu cốt yếu...
Với lòng yêu nước và nhiệt huyết của những người dân mất nước vừa giành được độc lập, đông đảo trí thức, công nhân và các tầng lớp nhân dân đã tự nguyện đóng góp vàng bạc, máy móc, nhà cửa, trí tuệ cùng sức lực của mình để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng. Chỉ một thời gian ngắn, khắp đất nước đã ra đời hàng trăm binh công xưởng sản xuất các loại vũ khí thông thường, chuẩn bị cho quân và dân ta thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp. Ngành Quân giới đã từ không thành có.
|
Tái hiện hoạt động sửa chữa, cải tiến vũ khí của Ngành Quân giới trong kháng chiến. Ảnh chụp tại Bảo tàng Vũ khí. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tháng 12/1946, Ngành Quân giới gấp rút tổ chức cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu... từ các thành phố, vùng đồng bằng lên chiến khu Việt Bắc, bắt tay vào sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho quân và dân ta đánh giặc. Từ những bài giảng về lý thuyết xạ thuật đầu tiên do Kỹ sư Trần Đại Nghĩa (người được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng ngành Quân giới) truyền đạt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân Quân giới đã tự lực tiếp cận những tri thức khoa học kỹ thuật quân sự, tạo nên hình mẫu các cơ sở sản xuất vũ khí đặc biệt Việt Nam, sản xuất được nhiều loại vũ khí theo cách rất riêng của mình; khai thác và tận thu các nguồn sắt thép, thuốc nổ, hoá chất... sẵn có, khắc phục được khó khăn về thiếu thốn nguyên vật liệu để sản xuất thành công và sửa chữa các loại vũ khí như các loại súng phục vụ cho yêu cầu tác chiến của bộ đội: phá lô cốt, tiêu diệt xe tăng, xe cơ giới…
Bằng những nỗ lực, sáng tạo như: tự làm thuỷ điện nhỏ, khai thác than bùn tại chỗ... Ngành Quân giới đã tạo ra được nguồn nguyên vật liệu cần thiết để hình thành những cơ sở sản xuất thuốc gây nổ fuminát thuỷ ngân, clorát, a-xít và cả lò cao sản xuất gang... đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất vũ khí, Ngành Quân giới còn phải đảm đương một nhiệm vụ khác là tự lực sản xuất, chế tạo ra nguyên vật liệu.
Đưa công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại về Việt Nam
Vấn đề quan trọng bậc nhất để sản xuất được vũ khí là nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ chế tạo. Đảng và Bác Hồ đã sớm chăm lo bố trí cho Ngành Quân giới những trí thức ưu tú.
Được Bác Hồ đưa từ nước ngoài về, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã trở thành cán bộ đầu đàn của Ngành Quân giới, người có công đầu đưa công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại từ Pháp về Việt Nam. Ông cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu mở những lớp huấn luyện về hoá nổ, xạ thuật, thử nghiệm vũ khí...
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, chấp nhận mọi sự hy sinh, Ngành Quân giới đã sản xuất được một khối lượng lớn các loại vũ khí cơ bản (mìn, lựu đạn...) góp phần tạo ra thế trận thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân.
|
Các loại vũ khí bộ binh được bộ đội ta sử dụng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cuối tháng 2/1947, súng và đạn Bazoca được Cục Quân giới thử nghiệm thành công ở Ứng Hoà (Hà Tây cũ). Theo Chỉ thị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngay đêm hôm sau, đồng chí Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng đến trực tiếp yêu cầu đồng chí Trần Đại Nghĩa cung cấp ngay súng đạn chống chiến xa để chặn quân Pháp đang dùng xe tăng- thiết giáp từ Hà Nội tiến trên đường số 6 ra vùng Chùa Trầm. Lập tức toàn tổ nghiên cứu khẩn trương nhồi lắp hoàn chỉnh được 10 quả đạn. Số đạn và súng Bazoca sản xuất loạt đầu tiên (sản phẩm đầu tay) được giao cho bộ đội tại mặt trận Hà Nội. Đồng chí Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng cùng đồng chí Tôn Thất Hoàng, cán bộ Nha Nghiên cứu kỹ thuật mang ngay về mặt trận đường số 6 trước khi trời sáng. Quân ta đã dùng số súng đạn Bazoca đó diệt gọn 2 xe tăng địch ở Chúc Sơn- Chùa Trầm, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội); số xe còn lại của địch hốt hoảng quay trở về Hà Nội. Trận đánh đó đã góp phần bẻ gãy cuộc tiến quân của địch vây quét vùng Chương Mỹ- Quốc Oai. Chiến thắng vang dội này thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Ngành Quân giới chỉ sau hơn một năm thành lập.
Song song với công việc sản xuất, các binh công xưởng cũng rất coi trọng việc sửa chữa vũ khí. Những khẩu Sten, súng trường, lựu đạn thu được của địch bị hỏng đã được các binh công xưởng sửa chữa và đưa vào phục vụ chiến đấu.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, lao động sáng tạo và lòng dũng cảm, kiên trung, cán bộ, công nhân Quân giới đã cung cấp cho chiến trường hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, trang bị các loại, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Hệ thống các xưởng Quân giới và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật với những kinh nghiệm và thành quả đạt được trong cuộc kháng chiến 9 năm đã tạo dựng nên những cơ sở rất quan trọng cho nền Công nghiệp quốc phòng sau này.