Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ quốc phòng Ukraine cho hay, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại của Không quân Ukraine tại chiến trường miền Đông nước này là do sự yếu kém về mặt kinh nghiệm tác chiến, đào tạo huấn luyện.
Bên cạnh đó, chiến thuật bay đơn giản và kinh nghiệm bay nghèo nàn khi không chiến cũng là những nguyên nhân chính khiến các máy bay chiến đấu hay trực thăng của Quân đội Ukraine liên tục bị bắn hạ ở khu vực miền đông.
Tính tới thời điểm hiện tại, số máy bay thuộc Không quân Ukraine bị dân quân miền Đông bắn hạ là gồm: 5 trực thăng vận tải đa năng Mi-8; 5 trực thăng tấn công đa năng Mi-24; 6 máy bay cường kích Su-25; một máy bay ném bom tấn công Su-24; hai chiếc tiêm kích MiG-29 và một số máy bay vận tải như An-26, An-30, IL-76.
|
Trong ảnh là một binh sĩ thuộc lực lượng ly khai miền Đông đứng cạnh xác máy bay cường kích Su-25 của Quân đội Ukraine bị bắn hạ.
|
Với tổng số hơn 23 máy bay các loại bị bắn hạ, đây được xem là thiệt hại lớn nhất của Không quân Ukraine sau khi chính thức tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô. Tuy nhiên yếu tố trang bị không phải là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Không quân Ukraine, khi mà lực lượng phi công chiến đấu của nước này hoàn toàn không có kinh nghiệm trên chiến trường.
Bên cạnh đó họ lại không được huấn luyện một cách đầy đủ do ngân sách hạn hẹp và hầu hết mọi chiến thuật bay mà các phi công Ukraine áp dụng khi chiến đấu đều quá đơn giản. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các hệ thống tên lửa phòng không vác vai và súng pháo phòng không của dân quân miền Đông Ukraine dễ dàng bắn hạ các máy bay của Quân đội Ukraine.
Mặt khác việc Quân đội Ukraine để các căn cứ quân sự và kho dự trữ chiến lược của mình rơi vào tay lực lượng dân quân cũng là một yếu tố dẫn đến sự thất bại ở miền Đông. Khi các căn cứ trên đầy ấp các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) cùng số lượng lớn đạn dược, mặt khác Dân quân miền Đông cũng tịch thu được một số lượng lớn vũ khí từ tay quân đội chính phủ trong lúc giao tranh.
|
Lực lượng Dân quân miền Đông có nguồn cung vũ khí dồi dào lấy từ chính Quân đội Ukraine.
|
Phía Ukraine cũng cáo buộc Nga đã tiến hành viện trợ quân sự ồ ạt cho lực lượng ly khai miền Đông, khi nói rằng chỉ có 5% số xe tải chở hàng cứu trợ là mang theo nhu yếu phẩm cơ bản. Và số còn lại là các trang thiết bị quân sự, đạn dược và các tên lửa phòng không vác vai, thậm chí phía Ukraine còn khẳng định dân quân miền Đông đang sở hữu ít nhất là 20 tổ hợp tên lửa phòng không các loại.
Chính phủ Ukraine cũng cáo buộc quân ly khai miền Đông đã bắn hạ chiếc máy bay thương mại chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, bằng tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk khiến gần 300 người thiệt mạng. Trong khi đó phía Nga lại cho rằng MH17 bị bắn hạ bởi một máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, lực lượng quân ly khai miền Đông khó có thể làm chủ được một tổ hợp phòng không tiên tiến như Buk chỉ trong vòng một tháng, Thế nhưng Ukraine lại cho rằng tổ hợp tên lửa phòng không Buk trên có nguồn gốc từ Nga và do các chuyên gia quân sự người Nga vận hành.
|
Không quân Ukraine liệu còn có đủ sức mạnh để đối phó với căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang ở miền Đông nước này ?
|
Với lực lượng chắp vá hiện tại, khó mà nói được liệu Không quân Ukraine có thể giúp được quân đội nước này vãn hồi được tình ở miền Đông hay không. Bằng chứng với tỷ lệ máy bay bị bắn hạ khi tham chiến khá cao, bên cạnh đó số máy bay mà Không quân Ukraine đang sở hữu đều đã lỗi thời và chúng đều được sản xuất hầu hết vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Lực lượng máy bay chiến đấu nòng cốt của Ukraine hiện tại chỉ gồm: Su-27, Su-24, Su-25, MiG-29 và L-39. Các máy bay trên đều hoạt động trong tình trạng cầm chừng và chỉ có thể hoạt động tối đa thêm 10 năm nữa nếu được nâng cấp hoặc bảo dưỡng định kỳ. Và khi đó Không quân Ukraine phải tìm một giải pháp thay thế khác nếu không muốn lực lượng không quân của mình bị xóa sổ.
Với điều kiện hiện tại thì các ứng cử viên tương lai của Không quân Ukraine chỉ có thể là các loại máy bay chiến đấu đến từ Phương Tây như: F-16 Block 52 của Lockheed Martin, Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale của Pháp, Saab Gripen E/F của Thụy Điển và F/A-18E/F Super Hornet của Boeing. Từ ngay bây giờ Ukraine đã lên kế hoạch cho lực lượng không quân của nước này trong giai đoạn từ năm 2020-2030, với việc mua số lượng các máy bay chiến đấu có người lái và cả không người lái.