Tội ác ghê sợ trong các tấn công vũ khí hóa học

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học sát hại hàng trăm người, lịch sử đã ghi nhận nhiều sự việc tương tự.

1. Trong chiến tranh thế giới I
Tháng 4/1915, Đức đã thực hiện cuộc tấn công hóa học có quy mô lớn đầu tiên trong chiến tranh khi mở những chiếc hộp chứa chất clo và thả theo hướng gió về phía quân đội Pháp, Canada và Algeria đóng tại Ypres, Bỉ, lợi dụng sức gió để phát tán khí.
Năm 1918, ước tính tổng số người chết vì vũ khí hóa học chủ yếu là khí clo, phosgene và khí mù tạt mà cả hai bên tham chiến đều sử dụng lên đến 90.000 so với hơn 1 triệu binh sĩ chết vì những loại vũ khí khác.
2. Chiến tranh Italo - Abyssinian (1935-1936)
Phớt lờ Nghị định thư Geneva đã ký năm 1925 cùng với 15 quốc gia lớn khác có nội dung cam kết không sử dụng các chất hóa học trong chiến tranh, phát xít Italy vẫn sử dụng khí mù tạt trong suốt cuộc xâm lược Ethiopia. Nó nằm trong cuộc chiến tranh Italo-Abyssinian lần thứ hai. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), các chuyên gia không thể xác định tổng số thương vong vì vũ khí hóa học mà Phát xít Italy đã sử dụng trong cuộc xâm lược trên. Nhưng theo kết quả ước tính của Liên Xô, khoảng 15.000 - 50.000 người Ethiopia đã chết vì khí độc mù tạt trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó.
3. Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988)
Lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã sử dụng khí mù tạt và khí độc thần kinh dùng để dập tắt làn sóng biểu tình của lực lượng quân đội và tình nguyện viên Iran được huấn luyện sơ xài. Theo báo cáo của Non-Proliferation Review, hơn 1 triệu người đã chết vì những vũ khí hóa học trên.
Tháng 3/1988, sau khi một số lính du kích người Kurd cùng người Iran tấn công Iraq thì máy bay chiến đấu của Iraq đã đánh bom và sử dụng khí mù tạt và chất độc thần kinh khi tấn công thị trấn Halabja của người Kurd ở gần biên giới Iran. Cuộc tấn công kinh hoàng trên khiến hơn 5.000 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân.
4. Cuộc tấn công bằng chất sarin ở Nhật Bản (1994-1995)
Hàng ngàn hành khách đi tàu điện ngầm của Nhật Bản chờ sơ cứu sau khi bị nhiễm chất độc sarin.
Giáo phái Aum Shinrikyo ngày tận thế ở Nhật Bản gây ra hai vụ tấn công sử dụng khí sarin. Trong số đó, một cuộc tấn công ở Matsumoto, miền Trung Nhật Bản và cuộc tấn công còn lại diễn ra ở ga tàu điện ngầm Tokyo. Tổng cộng, 20 người tử vong và hàng ngàn người khác bị nhiễm độc. Vụ tấn công khủng khiếp trên khiến các nước trên thế giới ngày càng tập trung quan sát, ngăn chặn những băng nhóm khủng bố có khả năng sử dụng vũ khí hóa học.
5. Hiệp ước vũ khí hóa học năm 1997
Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học và phá huỷ số vũ khí đó (hay còn gọi là Công ước vũ khí hóa học CCW) được các nước phê chuẩn vào năm 1997.
Đây là công ước duy nhất và là hiệp ước đa phương đầu tiên cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Nó trở thành cơ sở cho cộng đồng quốc tế xác minh về sự tàn phá dữ dội của những vũ khí hủy diệt kinh khủng trên.
Nhật Anh (theo Reuters)

Bình luận(0)