10 lời nói dối “kinh thiên động địa”

Google News

(Kiến Thức) - Thế giới từng chứng kiến những cú lừa ngoạn mục, những lời nói dối kinh thiên động địa làm xoay vần lịch sử.

1. Tuyên truyền lừa đảo của Đức Quốc xã
Chủ nghĩa phát xít xuất hiện ở Đức trong những năm 1930 và chế độ này đã có những hành động tuyên truyền chống Do Thái. Những người Do Thái đã phải chịu thành kiến và bị đàn áp mạnh mẽ. Sự tuyên truyền chống lại người Do Thái là một hành động lừa dối và đã đem lại những hậu quả nặng nề. Một chính sách quốc gia được gọi là “Giải pháp cuối cùng” đã được thiết lập nhằm loại bỏ sự sinh tồn của người Do Thái.
Để thực hiện điều đó, Adolf Hitler và Bộ trưởng truyền thông Joseph Goebbels đã phát động một chiến dịch lớn nhằm thuyết phục người Đức rằng, người Do Thái là kẻ thù của đất nước này. Báo chí bị lợi dụng triệt để, đổ lỗi toàn bộ các vấn đề xảy ra ở Đức là do người Do Thái. Trong đó bao gồm cả những thiệt hại trong chiến tranh thế giới thứ nhất cho người Do Thái. Thậm chí, họ còn khẳng định người Do Thái thực hiện những vụ giết trẻ em theo đạo Kito và dùng máu của họ làm bánh trong lễ Vượt Qua.
Nhà lãnh đạo Hitler và tay chân của hắn đã coi người Do Thái như vật tế thần, những gì họ gọi là “lời nói dối lớn”. Lý thuyết này cho rằng, lời nói dối dù lớn thế nào cũng không phải là vấn đề. Mọi người sẽ dần tin vào điều đó nếu bạn lặp đi lặp lại nó nhiều lần. Khi đó, Hitler lập luận rằng, ai cũng nói những lời nói dối nhỏ nhưng ít người có đủ can đảm để nói dối những điều to lớn, vĩ đại. Và những lời nói dối to lớn đó sẽ dần được con người chấp nhận.
2. Vụ Watergate
Hai thập kỉ trước vụ bê bối của Clinton, tổng thống Mỹ Nixon cũng đã vướng vào một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, dẫn đến việc ông phải từ chức.
Vụ việc xảy ra vào mùa hè trước cuộc bầu cử nhiệm kì 2 của Tổng thống Nixon. Năm người bị bắt khi đột nhập vào văn phòng của Đảng Dân Chủ tại khách sạn Watergate. FBI đã lần ra manh mối hung thủ chính là các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon cùng ủy ban vận động bầu của của ông. Những người này đã tổ chức vụ đột nhập nhằm vào đối thủ chính trị là đảng dân chủ để đánh cắp tài liệu. Và có khả năng, đích thân Tổng thống Nixon là người chỉ đạo thực hiện kế hoạch trên.
Nixon đã phủ nhận cáo buộc và tuyên bố mình không phải là người hèn hạ như thế. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo của tờ Washington Post công bố sự thật cho bàn dân thiên hạ rõ chân tướng vụ việc. Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, tháng 8/1974 Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức. Vụ bê bối đã để lại hậu quả lâu dài trên chính trường Mỹ.
3. Vụ Clinton/ Lewinsky
Tháng 1/1998, nhà báo Matt Drudge đã phanh phui ra một vụ việc giật gân, chấn động nước Mỹ. Đó là Tổng thống Mỹ Bill Clinton có quan hệ với thực tập sinh nhà trắng Monica Lenwinsky. Ông Clinton đã ngay lập tức phủ nhận việc này và khai man trước tòa. Điều đó trở thành căn cứ để luận tội ông.
Paula Jones là nhân viên tiểu bang Arkansas – nơi ông Clinton từng là thống đốc cũng cáo buộc vị tổng thống này đã quấy rối cô. Sau khi vụ bê bối bị công khai, công tố viên Kenneth Starr là người triệu tập Tổng thống Clinton và cuối cùng ông cũng thừa nhận có quan hệ với Lewinsky. Căn cứ vào báo cáo của Starr, hạ viện đã bỏ phiếu buộc tội Clinton khai man và cản trở công lý. Dù cuối cùng được Thượng viện tha bổng nhưng trong con mắt nhiều người Mỹ, hình tượng của ông bị xuống dốc không phanh.
4. Lời nói dối của Dreyfus
Cũng giống như âm mưu của Titus Oates, vụ bê bối này xảy ra vì lời nói dối của Alfred Dreyfus, nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị và gây ra sự thù hận trong thời gian dài. Alfred Dreyfus là một sĩ quan Do Thái trong quân đội Pháp cuối thế kỉ 19. Bản kết án cuối năm 1894 đối với đại úy Dreyfus — về tội để lộ những tài liệu bí mật của Pháp cho Đức - là một sai lầm tư pháp. Ông bị kết án tù chung thân và bị đày ra đảo Devils.
Sự nghi ngờ về vấn đề này bắt đầu phát sinh khi các lá thư buộc tội được phát hiện là giả mạo và thiếu tá Esterhazy mới là thủ phạm thực sự. Các nhà chức trách Pháp đã đàn áp sự thật này nhưng nhà văn Emile Zola đã phanh phui sự thật qua ngòi bút của mình. Vụ bê bối đã bùng nổ, khuấy đảo xã hội một cách sâu sắc trong suốt 12 năm (1895-1906). Khi đó, hầu như toàn thể các giới trong xã hội Pháp chia thành hai phe: ủng hộ Dreyfus và chống Dreyfusard. Điều đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sau ở nước Pháp.
Sau khi thiếu tá Hubert Joseph Henry thừa nhận làm giả tài liệu quan trọng và tự sát thì một nội các mới được bầu và xử lại vụ án này. Trái với những mong đợi của mọi người, Dreyfus bị kết án một lần nữa 10 năm lao động khổ sai mặc dù có một số tình tiết giảm nhẹ tội. Sau khi đi đày 4 năm, Dreyfus được hưởng lệnh đặc xá của Tổng thống. Mãi đến năm 1906, sự vô tội của ông mới được thừa nhận chính thức thông qua một án quyết không chiếu xét của Tối cao Pháp viện. Khi được phục hồi danh dự, đại úy Dreyfus trở lại quân ngũ với quân hàm thiếu tá và tham gia vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông mất năm 1935 và vụ bê bối trên đã thay đổi bộ mặt chính trị của Pháp.
5. Người đàn ông tối cổ Piltdown
Sau khi Charles Darwin xuất bản cuốn sách mang tính cách mạng của mình là "Nguồn gốc các loài" năm 1859, các nhà khoa học sôi sục đi tìm bằng chứng hóa thạch của tổ tiên loài người đã tuyệt chủng. Họ tìm những cái gọi là "liên kết bị mất tích" để hoàn thiện khoảng trống về thời gian trong quá trình tiến hóa của con người. Khi nhà khảo cổ học Charles Dawson tìm kiếm được một số thứ mà ông nghĩ đó là mắt xích còn thiếu trong năm 1910 mà không hề hay biết bản thân đã tìm thấy một trong những trò lừa đảo lớn nhất trong lịch sử.
Ông Dawson đã khai quật được những mảnh xương và hàm răng trong các mỏ đá ở Sussex, Anh. Ông đã đem nó cho Arthur Smith Woodward xem và nhận được sự ủng hộ. Vài tuần sau, Woodward và Dawson chính thức diễn thuyết về “người tối cổ” trước rất nhiều khán giả tại Hội địa chất London. Họ kể lại chuyện đã khai quật được “người tối cổ” như thế nào, và rằng họ tin chiếc sọ này không dưới 500.000 năm tuổi. Tuy nhiên, dù nhiều chuyên gia ủng hộ kết luận trên, vẫn có những người không tin điều đó.
Sau này, sự thật về Piltdown đã dần được làm sáng tỏ. Trên thực tế, các hiện vật kia không phải là 500.000 tuổi như lời tuyên bố gần 40 năm trước. Vụ việc giả mạo vỡ lở ra đã làm toàn thể cộng đồng khoa học bị sốc và vô cùng hổ thẹn vì đã ăn quả lừa bởi lẽ hộp sọ đó chỉ khoảng 600 năm tuổi và bộ hàm là của con đười ươi bị con người nhuộm răng, chỉnh sửa.
Vậy ai đứng đằng sau vụ gian lận? Nhiều người đã bị nghi ngờ, kể cả Dawson. Ngày nay, nhiều dấu hiệu đã chỉ ra Martin AC Hinton, tình nguyện viên làm việc cho bảo tàng tại thời điểm đó chính là người giật dây vụ việc này. Mục đích anh ta làm vậy có lẽ để gây rắc rối cho ông chủ của mình là Arthur Smith Woodward. Người này đã không trả lương cho Hinton.
6. Titus Oates và âm mưu giết chết vua Charles II
Titus Oates nổi tiếng là kẻ bất lương và nghĩ ra chuỗi lừa kinh điển. Ông ta lòe bịp mọi người rằng, bản thân bị đuổi khỏi một trong số những trường hải quân tốt nhất ở Anh. Oates thậm chí còn bị kết án về tội khai man và trốn thoát khỏi tù. Tuy nhiên, đó chưa phải là lời nói dối lớn nhất.
Lớn lên trong sự nuôi dưỡng của một mục sư theo phái tin lành, Oates đến Cambridge để nghiên cứu về Anh giáo. Sau khi có những hành vi sai trái, ông bị đuổi khỏi đó. Sau đó, ông chuyển đi theo Công giáo. Với sự giúp đỡ của cộng đồng Công Giáo Tonge của Israel, Oates thâm nhập vào lãnh thổ đối phương bằng cách gia nhập một chủng viện Công giáo khác. Tuy nhiên, ông bị cả hai cơ sở này trục xuất vì đi theo hai nơi. Nhưng đối với ông điều đó dường như không quan trọng. Bởi trong thời gian đó, ông đã thu thập được một số lượng thông tin nội bộ và những cái tên có thể gây ra một cuộc bùng nổ lớn.
Năm 1678, Oates đã sáng tạo và giả vờ phát hiện ra một âm mưu mà các cha dòng theo đạo Thiên chúa lên kế hoạch ám sát vua Charles II. Nội dung âm mưu đó là có người muốn lật đổ vua Charles và người anh em đi theo đạo Công giáo của nhà vua là James sẽ kế vị ngai vàng. Chính vì vậy, làn sóng chống Công giáo ở Anh diễn ra trong 3 năm và khoảng 35 người đi theo tôn giáo trên đã bị hành quyết.
Năm 1685, vua Charles qua đời và James đã trở thành đức vua quyền quý. Ông buộc tội Oates nói dối trằng trợn và bị tống giam vào ngục. Tuy nhiên, Oates chỉ bị giam vài năm rồi được thả ra sau khi xảy ra cuộc cách mạng năm 1688. Khi đó, vua James không còn trong cung điện nên y được tha thứ cho lỗi lầm đã gây ra, thậm chí về sau còn nhận được lương hưu.
7. Anna Anderson giả làm công chúa Anastasia
Năm 1918, cuộc cách mạng Bolshevik đã lấy đi mạng sống của công chúa Nga cuối cùng là Anastasia cùng với những thành viên còn lại trong gia đình cô. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn xuất hiện tin đồn, rằng, cô công chúa xinh đẹp này vẫn còn sống trong nhiều thập kỷ qua. Trên thực tế, một số kẻ đã mạo danh là Anastasia Romanova. Kẻ giả mạo thành công và nổi tiếng nhất trong lịch sử là Anna Anderson. Người phụ nữ này nổi như cồn trong những năm 1920. Khi đó, cô ở một bệnh viện tâm thần Berlin, nơi Anna tự nhận mình là công chúa Anastasia Romanova - con gái út của Sa hoàng Nicholas II đã chết.
Dù hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, cô công chúa cuối cùng của nước Nga đã không còn trên cõi đời và cô chỉ là kẻ lừa đảo nhưng Anderson lại có những sự tương đồng đến kỳ lạ cũng như biết rất nhiều chi tiết về cuộc đời của thành viên hoàng gia mà cô tự nhận. Do đó, một số người tin cô và một số người thuộc tầng lớp giàu có ở Nga ủng hộ Anderson. Họ cũng nghĩ rằng, cô là người thừa kế hợp pháp ngai vàng.
Cuối cùng, công chúa giả mạo đó cũng phải di cư sang Mỹ vào năm 1968 với thân phận Anna Anderson. Câu chuyện ly kỳ của cô giống như thật nên đã được nhiều nhà văn viết thành sách và thậm chí là làm thành một bộ phim Hollywood.
Câu chuyện của Anderson trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh luận cho đến khi người ta tiến hành xét nghiệm DNA vào năm 1994. Kết quả chỉ ra rằng, cô không hề có mối liên hệ gì với gia đình hoàng gia Nga. Anderson có thể là một công nhân làm việc ở nhà máy Ba Lan. Cô đã biến mất vào năm 1920 và danh tính thực sự của cô không bao giờ được các cơ quan chức năng xác nhận hay công bố thông tin chính thức trước công chúng.
8. Vụ lừa gạt giới đầu tư ngoạn mục của Bernie Madoff
Năm 2008, Bernie Madoff thú nhận đã lừa khoảng 50 tỷ USD từ các nhà đầu tư tin tưởng gửi gắm tiền bạc cho hắn giữ hộ. Vụ lừa đảo ngoạn mục này kéo dài trong nhiều năm nhưng không ai hay biết cho đến khi xuất hiện khủng hoảng kinh tế gần cuối năm 2008 thì lúc đó các nhà đầu tư mới hôt hoảng đòi rút tiền. Vào thời điểm ấy, họ mới khám phá ra sự thực là tiền mình gửi cho Madoff không có trong ngân hàng. Mưu đồ lường gạt của Bernard Madoff tương tự như của Charles Ponzi mà người ta gọi là “mưu đồ Ponzi”.
Charles Ponzi vô cùng nổi tiếng khi sử dụng thủ đoạn lừa tiền của giới đầu tư trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông sáng lập ra một công ty đầu tư, quảng cáo và hứa hẹn với nhà đầu tư là sẽ mang lãi suất cao cho họ. Ông ta bán chứng khoán của công ty mình trị giá 10 USD, với cam kết là trong 90 ngày nếu khách hàng đem trả lại chứng khoán thì ông ta sẽ trả lãi 50%. 90 ngày sau khi khách hàng trả lại chứng khoán, ông ta xuất tiền túi trả đúng vốn lẫn lời. Tiếng đồn đầu tư vào công ty Ponzi ăn lãi suất cao lan nhanh như "cháy rừng" nên thiên hạ thi nhau đầu tư. Ban đầu có 18 người tham gia vào tháng 1 thì đến tháng 8/1920, hơn 30.000 nhà đầu tư đã mua chứng khoán của công ty ông ta với trị giá 15 triệu USD. Thay vì đầu tư tiền bạc cho các dự án hay các loại cổ phiếu trên sàn giao dịch, ông giữ một số tiền cho bản thân và sử dụng để trang trải kinh phí ban đầu khi mới mở công ty thu hút tiền đổ vào và trả lãi cho những người đầu tư trước đó.
Madoff không phải là người sáng tạo ra loại hình lừa đảo này nhưng ông ta đã đưa nó lên một tầm mới. Ông ta đã nắm giữ một nguồn tiền kỉ lục từ kế hoạch của mình, và âm mưu của Madoff cũng đã được duy trì trong một khoảng thời gian rất dài. Trong khi những “Ponzi Scheme” khác thường nhanh chóng sụp đổ vì chúng liên tục đòi hỏi các nhà đầu tư cứ ngày một nhiều hơn. Mặt khác, Madoff đã từng là chủ tịch của NASDAQ, một chuyên gia được tôn trọng và có uy tín bậc nhất trong giới tài chính nên vụ việc vỡ lở đã gây nên một cú sốc lớn cho toàn nước Mỹ. Nếu đem so sánh về mức độ tinh vi, số lượng thiệt hại và mưu đồ thì Charles Ponzi phải cúi đầu chào thua.
9. Giả mạo kiệt tác tranh khét tiếng của Han van Meegeren
Han van Meegeren là một nghệ sĩ người Hà Lan nổi danh thiên hạ với các tác phẩm làm giả của danh họa tài ba Vermeer. Nhờ đó, ông ta trở thành một anh hùng trong dân gian. Han van Meegeren đã làm giả nhiều bức tranh nổi tiếng và giống như đúc nguyên tác được vẽ từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là tác phẩm “Bữa ăn tối ở Emmaus”. Khi đó, Meegeren được giới phê bình nghệ thuật đặc biệt khen ngợi. Những tác phẩm giả mạo thậm chí bán được với giá cao ngất ngưởng. Ông luôn "giấu nhẹm" sự thật về những bức tranh. 
Tuy nhiên, Meegeren đã làm một điều sai lầm nghiêm trọng trong những năm 1930-1940 khi bán một bức tranh cho thành viên của Đức Quốc xã. Sau khi chiến tranh kết thúc, quân Đồng minh coi ông là kẻ phản quốc đem bán báu vật quốc gia. Tuy nhiên, để trốn thoát tội trạng tày đình này, Meegeren đã thừa nhận bản thân đã làm giả số tranh của danh họa Vermeer. Để chứng minh điều đó, ông phải vẽ bức tranh giả mạo khác trước sự chứng kiến của nhà chức trách.
Vì sự giả dối của mình, Meegeren bị tuyên án 1 năm tù giam nhưng đã chết vì một cơn đau tim, sau khi vào trại được hai tháng.
10. Ngựa gỗ thành Troy
Nếu tất cả đều công bằng trong tình yêu và chiến tranh thì điều dối trá lớn nhất này có thể sẽ được tha thứ. Khi Paris ở thành Troy bỏ trốn cùng với nàng Helen xinh đẹp - vợ của vua Spartan thì cũng là lúc chiến tranh bùng nổ. Cuộc chiến đẫm máu này kéo dài trong suốt 10 năm và người Troy tin rằng, cuối cùng họ đã vượt qua được người Hy Lạp. Tuy nhiên, họ không biết rằng người Hy Lạp đang lên kế hoạc chu đáo khác.
Hy Lạp đã làm một con ngựa gỗ khổng lồ với một cái bụng rỗng có thể giấu nhiều người đàn ông ở trong đó. Sau khi người Hy Lạp thuyết phục kẻ thù của họ rằng, chú ngựa gỗ đó là một đề nghị hòa bình thì người Trojans vui vẻ chấp nhận và mang nó vào trong thành trì kiên cố của họ. Đêm hôm đó, khi binh sĩ Trojans ngủ say, quân lính Hy Lạp ẩn bên trong con ngựa gỗ đã chui ra và tấn công tiêu diệt quân địch một cách bất ngờ. Nhờ mưu này mà họ đã hạ được thành địch .
Đây là một trong những chiến thuật quân sự lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử nếu điều đó là sự thật. Homer đề cập đến nó trong tác phẩm "The Iliad" và Virgil cũng nói về nó trong "The Aeneid". Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, thành Troy thực sự tồn tại. Người phương Tây hiểu rằng, câu chuyện là lời cảnh báo ý nghĩa trong cuộc sống: "Hãy cẩn thận khi kẻ thù mang quà tặng đến".
Nhật Anh (theo Howstuffworks)

Bình luận(0)