Vừa Tết xong, vợ chồng bác Lương Vũ ở Đường Thịnh, vùng đất lúa ngoại thành Hải Phòng tổ chức lễ cưới cho con gái, anh em con cháu tề tựu rất đông.
Tuy không mâm cao cỗ đầy nhưng cái tình gắn bó với nhau bền chặt lắm. Cả họ đang vui vẻ thì bác Trưởng, anh trai bác Vũ - khách ở thành phố về dự.
Nói phố cho nó lịch sự chứ bác là dân quê chính gốc, bởi bác sinh ra ở đây và cũng lớn lên bằng hạt lúa củ khoai quê nhà, nhưng bác lấy được vợ phố. Chẳng biết vợ chồng bác có khinh dân nhà quê không mà trông thấy các cụ lớn tuổi trong họ chỉ khẽ gật đầu, chẳng biết họ chào hay không, còn anh em, con cháu trong họ coi như bác không biết.
Thấy mọi người không thèm để ý đến mình, vợ bác Trưởng đứng lên, giọng the thé kẻ cả để mọi người phải chú ý:
- Này chú Vũ - Chị ta khoa chân múa tay như cố để những lắc vàng, dây chuyền, nhẫn mặt ngọc... xủng xoảng, ánh lên lấp loáng. - Bảo người xếp cỗ kia kìa, lấy đũa mà gắp thịt không thì xỏ đôi găng tay vào, chứ ai lại bốc thế kia trông nó ghê ghê lắm.
|
Ảnh minh họa. |
Nói rồi, chị nguẩy mông, lắc đầu làm cho cái thân hình phì nộn của chị như bị căng ra núng nính những thịt những mỡ như những khoanh giò bị bó chặt bởi những dây ngang dọc sau lần áo mỏng. Và khi chị quay lại, nhìn chiếc áo mốt thời thượng hở cổ, phơi nửa bộ ngực trần đồ sộ, làm cho các bà, các chị trong đám ngượng chín mặt.
Chuyện tưởng như thế đã là quá quắt, nào ngờ khi được mời ăn cỗ, vợ chồng con cái bác Trưởng chọn một mâm nhưng thiếu một người. Bác Vũ phải sắp xếp, mời mọc anh em họ tộc vào ngồi cùng cho đủ mâm nhưng chẳng ai chịu. Và thế là kệ thây những con mắt nhìn khó chịu, bốn người nhà bác coi như đủ mâm cứ ăn uống đàng hoàng như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Khi các mâm chú bác, anh em hỉ hả chúc rượu nhau vui vẻ thì bác Trưởng, giọng hách dịch gọi gia chủ rồi đứng lên cầm trên tay cả xấp tiền, rút đưa 100 ngàn đồng cho bác Vũ:
- Vợ chồng tôi chỉ quen uống bia, chú cho người mua giúp tôi vài chai về uống cho ngon miệng.
Bác Vũ loay hoay thật khó xử. Bà con làng xóm, rồi ông bà chú bác nội tộc bề trên tất cả chỉ uống rượu, bây giờ anh mình ở phố về lại uống bia (mặc dù là tiền của anh) nhưng làng xóm biết đâu chuyện đó, họ cho là nhất bên trọng bên khinh, nghĩ người ở phố lắm tiền nhiều của nên được uống bia còn dân quê thì uống rượu.
Cầm 100 trăm ngàn đồng của anh trên tay mà bác Vũ không thể không nghĩ: Đất lề quê thói, chẳng lẽ anh mình quên hay cố tình hợm hĩnh bằng cách sống trưởng giả, lạc lõng khác người giữa vùng quê nghèo, nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi nuôi anh lớn khôn và trưởng thành này chăng?
Bác Vũ quay lại anh trai, dúi nhanh tờ tiền vào tay anh:
- Bác cầm lấy để chiều anh em mình mua uống mừng hạnh phúc cho các cháu, còn bây giờ không tiện anh ạ.
- Không tiện? Chú hay nhỉ, tiền của tôi tôi mua tôi uống chứ bắt chú mua cho tôi đâu mà không tiện.
Không còn chịu được cách sống quá kênh kiệu không biết trên, biết dưới của anh mình, bác Vũ thẳng thắn:
- Nhà quê chúng em chỉ quen uống rượu không biết uống bia, bác cố ăn bữa cơm rượu mừng hạnh phúc cho các cháu.
Mâm cỗ cả vợ chồng con cái bác Trưởng không đụng miếng nào và họ cùng đứng lên, vợ bác Trưởng hằn học, rút chiếc phong bì đánh xoạch khỏi túi gọi bác Vũ:
- Vợ chồng tôi về mừng cho chú thím và cháu, chú thím cho ăn uống rồi, chúng tôi xin phép về trước bận công việc riêng.
Bác Vũ cười hể hả, tưởng nhìn thấy phong bì em cười tít mắt, vợ bác Trưởng bĩu môi vẻ khinh rẻ:
- Vâng, em cám ơn hai bác và các cháu, em xin nhận lời chúc của hai bác, còn gửi lại bác cái của quý này. Ở quê mình cái tình là quý chứ không phải quý ở chiếc phong bì. Với lại cỗ nhà em không có bia, hai bác và các cháu không thèm đụng đũa, ai lại dám cầm tiền mừng, hai bác thông cảm.
Chị dâu gạt chồng sang một bên, cầm chiếc phong bì mà như giật lại trên tay em trai chồng:
- Quý hóa quá, chú thím thật khách sáo...
Vợ chồng con cái bác Trưởng về trong tiếng cười tiễn biệt của cả hội hôn. Còn vợ chồng bác Vũ tiễn anh chị về mà thấy lòng buồn rười rượi. Chẳng lẽ người xưa dậy : "Bán anh em xa mua láng giềng gần" lại đúng như nhà mình sao?