Con của người ta

Google News

Ba mẹ miễn cưỡng lắm mới phải nhờ đến đứa “con của người ta” là chị, trong khi nhà rõ ràng là có con trai...

Nhà chỉ có hai chị em. Thuở bé, em thèm ăn gì là chị nhín tiền quà của mình mua về cho em. Lớn hơn, em trai ước ao có cái máy ảnh kỹ thuật số, chị dành dụm tiền tiêu vặt nhiều tháng để mang lại niềm vui cho em.
Em trai học Y đằng đẵng sáu năm, thêm hai năm chuyên tu. Ba mẹ bảo, em học xong thì cả gia đình được nhờ, trong nhà có bác sĩ còn gì bằng... Từ bé đến lớn, ba mẹ luôn kỳ vọng ở em, con trai mới đích thực là con. Nhà vốn khó khăn nên ưu tiên em đi học, chị là con gái, "thập nữ viết vô", chỉ cần biết đọc biết viết là được… Thời gian đó chị đã đi làm, hàng tháng đều đặn giúi cho em tiền tiêu vặt và bao bạn gái. Bạn gái em không được lòng mọi người trong nhà cho lắm, nhưng chị vẫn tự nhủ, quan trọng là em mình hạnh phúc, những vụn vặt khác nào có đáng gì…
Ảnh minh họa. 
Ra trường em cưới vợ ngay. Cưới xong, em ra riêng. Chẳng bao lâu vợ chồng em sinh con. Vợ em nhờ ông bà ngoại lên chăm cháu cũng là lẽ bình thường. Nhà vợ em bán căn nhà dưới quê, đùm túm mua một chỗ ở tại thành phố. Từ căn nhà mới ấy đi về mái nhà nơi em đã sinh ra và lớn lên cùng chị, cứ như ở hai đầu nỗi nhớ. Ba mẹ muốn đi thăm cháu phải lặn lội qua vô số ngã ba ngã tư. Có lẽ vì những nguyên nhân khách quan như thế, em ngày càng ít về thăm nhà... Em trở thành đề tài cho những lần ba mẹ buồn phiền, hờn trách nhau, người này trách người nọ về lý do tại sao em lại có thể trở nên thờ ơ với tình thân ruột thịt đến vậy…
Giờ nhà có bác sĩ, nhưng ba mẹ “đau” triền miên không ai chữa trị được. Cái cảm giác “mất” con, lại là đứa con trai duy nhất mình đã đặt tất cả yêu thương, kỳ vọng, quả là không gì bù đắp được. Việc báo hiếu chỉ được thể hiện qua số tiền hàng tháng chuyển vào tài khoản của ba mẹ. Lời giải thích nhiều hàm ý cho con số hơi nhỏ nhoi trong tin nhắn ngân hàng là vợ chồng con cũng cần phải tích góp nuôi cháu… Muôn đời nước mắt chảy xuôi, chẳng phải là khó hiểu. Nhà vẫn đơn giản, nhưng ba mẹ chẳng tha thiết sửa sang, mua sắm gì nữa. Mỗi khi có việc gì phải gọi đến con cái, ba mẹ buộc lòng kêu chị trong nỗi khó chịu tạm bợ mà chị hiểu, ba mẹ miễn cưỡng lắm mới phải nhờ đến đứa “con của người ta” là chị, trong khi nhà rõ ràng là có con trai...
Mỗi khi nghĩ đến em, chị vừa thương vừa giận. Chị không mong đợi em “đáp lễ” những ân tình chị đã dành cho em, nhưng không khỏi chạnh lòng với ý nghĩ, đứa em trai mình từng thương yêu chăm chút chỉ vừa đủ lông đủ cánh là “quên” ngay ba mẹ, chị em. Bao trái ngọt, vợ con nó hưởng hết. Mà vợ của em trai, ngày xưa chị từng vun vào khi ba mẹ phản đối, nay sao nỡ thản nhiên lạnh lẽo với nhà chồng đến vậy? Chị giận em trai nhu nhược nghe theo mọi sắp đặt của nhà vợ, giận em dâu cư xử vô tâm vô tình…
Trông người lại nghĩ đến ta. Nhà chồng chị đông con, những sáu người, chồng chị là con trai lớn, trước còn một chị gái. Tuy nhà chật vật, nhưng anh được ăn học đàng hoàng, cũng vội cưới chị với lý do “sợ mất” ngay khi vừa tốt nghiệp. Chị thi thoảng nhắc chồng nhớ phụ giúp mẹ, đôi khi chị chủ động mua cho em gái anh ít áo quần, sách vở… Những lúc về quê chồng, chị vui vẻ cảm thấy mình cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với bên chồng.
Nhưng, đàn ông lắm khi cũng vô tâm. Chồng chị hay quên. Có lúc em gái anh điện thoại thẳng thừng bảo, sao anh ích kỷ vô lo quá vậy, mẹ vất vả, không dám gọi vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh, nhưng anh là con, phải tự hiểu chứ! Anh phải biết bổn phận với các em, có đâu như vậy… Chị dâu không cho anh đóng góp nuôi em út ăn học à? Tới đây thì em gái anh tủi thân bật khóc.
Anh về kể lại với chị trong nỗi xấu hổ và day dứt. Không thêm bớt giấu diếm, ngay cả cái câu cuối cùng khó nghe đó. Lâu nay anh thờ ơ với gia đình quá. Sao em không lo giúp anh một tay? Lời trách nhẹ bâng của anh làm chị ngỡ ngàng. Càng bất ngờ hơn khi biết, đã lâu lắm rồi anh chẳng nhớ gửi cho mấy em đồng nào, dù anh chi dùng cá nhân khá rộng rãi. Cũng đôi khi chạnh nghĩ đến mẹ, rồi tự suy diễn rằng, mẹ già rồi, có xài gì đâu. Em út ở nhà thì vẫn nghĩ đến đấy chứ, nhưng lu bu rồi quên mất “hành động thiết thực”… Hai vợ chồng bần thần một lúc, chị nhẹ nhàng bảo, thôi để sau này hàng tháng em lưu ý nhắc anh. Muộn còn hơn không.
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)