Đàn ông chẳng là cái “đinh” gì?

Google News

Hiệu ứng của hình tượng cô bạn tôi dữ dội đến nỗi có nhiều fan tập hợp lại thành “Hội những người phụ nữ chán ghét đàn ông”...

Cô bạn tôi mấy năm trước bỗng dưng… không chồng mà chửa! Ngay khi biết điều đó, một chiến dịch truy tìm tác giả của cái bào thai rầm rộ được triển khai.
Bắt đầu từ phòng tổ chức. Chị trưởng phòng đã ngoài bốn mươi mà vẫn phòng không chiếc bóng là người hăng hái nhất. Hết dọa nạt đến năn nỉ và cuối cùng là xử lý kỷ luật nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Cha của đứa bé vẫn là một bí mật.
Sau 9 tháng lẻ mấy ngày, cô bạn tôi đẻ ra một bé gái thật xinh xắn dễ thương. Thật bất ngờ, khi những hình ảnh đầu tiên của đứa bé được đưa lên trang Facebook của cô bạn thì hàng ngàn người nhấn “like”; hàng trăm comment ca ngợi, chúc mừng “người mẹ của năm”. Bỗng dưng bạn tôi thành người nổi tiếng. Kể từ đó, bạn tôi trở thành… nhà văn dù chuyên môn của bạn trước khi có bầu, đẻ con là nhân viên hành chính.
Ảnh minh họa. 
Chị trưởng phòng tổ chức lại gọi bạn tôi lên: “Hợp đồng của em sắp hết hạn, công ty sẽ ký lại thành không xác định thời hạn với điều kiện là em thay đổi công việc từ phòng hành chính lên phòng kinh doanh”. Bạn tôi đồng ý. Công việc mới của bạn ở phòng kinh doanh là quảng bá sản phẩm của công ty trên mạng xã hội.
Đúng là lãnh đạo có mắt nhìn người. Sản phẩm của công ty đang lình bình bỗng bán chạy ào ào, doanh số tăng vùn vụt. Bạn tôi vụt vươn mình thành sao, thành hiện tượng “bà mẹ đơn thân thành đạt”. Trong công ty, không ai còn nghĩ đến chuyện truy tìm cha của con cô là ai. Họ mặc nhiên chấp nhận, thậm chí còn xem đó là một phong cách mới đáng học hỏi của những người phụ nữ hiện đại.
Hiệu ứng của hình tượng cô bạn tôi dữ dội đến nỗi có nhiều fan tập hợp lại thành “Hội những người phụ nữ chán ghét đàn ông”, bầu bạn tôi làm chủ tịch danh dự. Slogan của hội là “Phụ nữ sẽ sống tốt hơn nếu không có đàn ông”. Chuyện sẽ chỉ được xem là vui đùa, nhảm nhí nếu như cái “bệnh dịch” chửi mắng đàn ông, ca ngợi cuộc sống phóng túng và tự do quan hệ tình dục không lây lan từ mạng xã hội đến phòng kinh doanh của cô bạn và toàn công ty.
Mới đây nhất, khi chị phụ trách nữ công của công ty đề ra kế hoạch tổ chức ngày 8 tháng 3 thì xảy ra sự cố. Ai đó đã gỡ thông báo, thay vào đó là lời kêu gọi “đừng biến phụ nữ thành nô lệ của đàn ông và những đứa trẻ”. Chị trưởng ban nữ công giận dữ xé nát tờ giấy có viết lời kêu gọi. Thế nhưng đã mấy ngày trôi qua mà không có ai đăng ký tham gia các hoạt động. Chị than thở với tôi: “Không lẽ bây giờ người ta sống vô tổ chức, buông tuồng, phóng khoáng như vậy sao? Không lẽ bây giờ đàn ông thật sự chẳng là cái đinh gì trong mắt phụ nữ hay sao? Hỏng hết rồi!”.
Tôi hết sức chia sẻ với chị bởi tôi cũng chính là nạn nhân. Công ty có hơn 100 chị em, trong khi cánh mày râu thì chỉ bằng một nửa số ấy vậy mà chỉ có 2 anh tìm được “đối tác”; số còn lại ế chỏng, ế chơ, ra ngoài tìm cũng không gặp được một nửa còn lại của mình. Tôi hết sức nghiêm túc tự vấn: Trong chuyện này, tại anh hay tại ả? Không lẽ đàn ông rớt giá thê thảm như vậy sao?
Theo Người Lao Động

Bình luận(0)