Vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ: 5 năm rồi tôi chưa về quê

Google News

(Kiến Thức) - “Ở quê họ đồn thổi tôi bị vỡ nợ, không đẻ được con trai rồi bị chồng đuổi đi nhưng sự thật thì không như vậy, xa quê, xa chồng xa con nên phải lo làm ăn dành dụm để có tiền gửi về”, chị Tám kể về hoàn cảnh của mình.

Nghề gì cũng làm
Đẩy chiếc xe kéo tay đi ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về phòng trọ, đi hết con hẻm này tới con hẻm khác mua ve chai bán lại cho đại lý kiếm lời, đang lúc mua ve chai mà ai bảo đổ xà bần có thêm tiền chị cũng làm luôn. Dáng người nhỏ bé, khắc khổ, oằn mình đẩy chiếc xe chở xà bần đi đổ làm nhiều người thấy thương, chị Nguyễn Thị Tám (48 tuổi ở Mộ Đức, Quãng Ngãi) nói: "Nề hà gì chuyện khó nhọc, miễn sao có tiền mà không phạm pháp là làm". Chị vui vẻ kể: "Hồi vừa theo con cháu vào Sài Gòn, nhìn cảnh người xe tấp nập hối hả đâm lo, cầm mười bộ hồ sơ xin vào xí nghiệp làm chân tạp vụ không chỗ nào nhận vì người ta chê mình lớn tuổi. Tiền mang theo vài trăm ngàn cũng hết, vậy là chị xin phụ bán quán cà phê vỉa hè để kiếm cơm ăn qua ngày, thương tính thật thà chịu khó nên chị chủ chỉ cho chị bí quyết pha chế. Được một năm chị ra bán riêng, vì vốn không có cộng thêm với chuyện bị phạt lấn chiếm lòng lề đường nên chị đành bỏ nghề".
Thất nghiệp nhưng vẫn kiên trì, chị xin vào rửa bát cho quán cơm, tối đi phụ quán ốc, với hai việc này chị đã có tiền trả nhà trọ và gửi về quê cho chồng hằng tháng để nuôi con. Chưa kịp mừng khi có việc làm chị phải nghỉ vì bàn tay bị lở loét do xà bông ăn tay, những lúc như vậy chị không dám gọi cho chồng kể lể mà âm thầm chịu đựng. Khu chị trọ toàn những người xa xứ đi làm ăn, lần này chị đi theo một người cùng quê thu mua ve chai rồi bán lại, đồ nghề chị sắm một xe đẩy tay, tuy thu nhập không cao nhưng không hồi hộp lo sợ bị công an rượt đuổi như bán cà phê cóc, lắm lúc họ lấy hết bàn ghế rồi mình lên phường ký cam kết chuộc lại, nhiều lần như vậy hết vốn. Chuyển qua nghề mua ve chai, lúc mua đồ, thấy nhà nào bẩn thì chịu khó dọn hộ mà không tính tiền công nên mọi người sẽ nhớ mặt và để dành rồi gọi.
Chị Tám tâm sự: "Những ngày cuối năm đi ra đường lòng buồn lắm, dọn nhà cho người ta mà ứa nước mắt nhưng hoàn cảnh nhà nghèo, con đông nên phải ráng...". 
Đói thì đầu gối phải bò
Chị Tám nói, người miền Trung đi làm ăn khắp nơi nhưng Tết nào cũng tranh thủ về quê, chắc chỉ có duy nhất chị là 5 năm rồi chưa về, không phải là không nhớ chồng con nhưng mỗi lần về tốn phí lắm. Tiền về một chuyến bằng chi phí của sáu cha con ăn một tháng mà ở quê thì làm gì ra tiền, ruộng thì ít, chị mà về một chuyến thì coi như tháng đó cha con ở nhà thiếu trước hụt sau. Năm đứa con của chị cũng quen dần với cảnh vắng mẹ nên bảo bọc nhau học hành rồi phụ giúp cha công việc nhà, chồng chị ở quê làm thợ hồ, những tháng mưa dầm bão lụt thì cứ nhìn trời mà thở dài nên chị phải ráng gồng gánh nơi xứ người và cố gắng chịu đựng nỗi nhớ, cũng may còn có điện thoại nên nhớ con chị lại gọi về.
"Mỗi dịp Tết là tôi kiếm nhiều tiền hơn ngày thường nên ở lại Sài Gòn, những ngày cuối năm mọi người tranh thủ về quê nên tôi thu mua được nhiều", chị kể. Ngày Tết, chị đi trông nhà cho một hai gia đình quen, ở nhà họ chẳng tốn phí gì, lại được họ ứng tiền trước gửi về quê cho cha con ăn Tết. Vào năm mới mọi người ăn tân niên thì chị thu mua được nhiều ve chai hoặc nhiều người quen gọi đến cho đồ. 
"Những ngày cuối năm đi ra đường lòng buồn lắm, dọn nhà cho người ta mà ứa nước mắt nhưng hoàn cảnh nhà nghèo, con đông nên phải ráng... Đất Sài Gòn rất dễ sống, chỉ cần siêng năng, thật thà thì sau một thời gian ngắn chịu khổ để thích nghi sẽ làm được, đúng là đói bụng đầu gối phải bò", chị Tám vui vẻ nói.
Quỳnh Anh

Bình luận(0)