Ngồi nhìn chị dốc bầu tâm sự trong hai hàng nước mắt giàn giụa, tôi cũng không cầm lòng được. Tôi biết chị đang đau, một nỗi đau mà không dễ chia sẻ với ai, kể cả người hằng đêm kề gối bên chị.
Chị là "tập hai" của anh. Vợ anh mất vì một cơn bạo bệnh để lại cho anh một đứa con gái 4 tuổi. Anh rất yêu vợ và là người đàn ông chung tình nên sau ngày chị mất, anh rất khó mở lòng với người phụ nữ khác dù cũng có một vài cô gái đồng cảm muốn chung sống cùng anh và cũng có không ít người mối lái cho anh những người cùng cảnh ngộ nhưng anh đều khéo léo từ chối. Duyên số đưa đẩy anh đến với chị khi cả hai gặp nhau ở một vùng núi heo hút. Anh là trưởng nhóm dự án của một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế đang có chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chị lúc đó đang là cô giáo ở vùng cao.
Chị sinh ra ở Hải Phòng, học sư phạm ra trường, xoay xở mãi ở thành phố không xin được việc làm. Đúng lúc đó, người chị yêu lại bỏ chị đi lấy vợ. Buồn chán chị tình nguyện lên vùng núi dạy học và cũng để trốn chạy nỗi đau. Thời gian cũng làm chị nguôi ngoai dần cộng với tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ con hồn nhiên nguyên thủy như núi rừng đã giữ chân chị lại để bám trụ ở mảnh đất đồi núi hẻo lánh.
Gặp anh, nghe anh nói về dự án, chị rất hào hứng và nhiệt tình giúp đỡ anh. Cứ thế, công việc tự nhiên gắn kết hai người với nhau từ lúc nào chị cũng không hay. Chỉ biết cứ mỗi lần anh lên công tác rồi lại về xuôi, chị lại thấy thiếu, thấy nhớ. Còn anh, không quên gọi điện cho chị vào cuối ngày, ban đầu chỉ là công việc, sau như một thói quen. Anh năng lên miền núi hơn, có khi để gặp chị là chính. Mỗi lần nghe anh báo anh sẽ lên là chị lại thao thức, mong ngóng. Khi đã gắn bó với nhau, anh kể cho chị nghe về hoàn cảnh của anh. Cũng là lần đầu tiên trong đời chị bộc bạch nỗi đau mà chị đã trải qua.
|
Ảnh minh họa.
|
Rồi một lần, anh lên mà không báo trước cho chị. Giờ tan lớp, chị thấy anh đứng đợi ở ngoài cửa. Chị không khỏi ngạc nhiên "truy vấn" anh, anh cười bảo: "Lẽ ra phải cuối tháng nhưng vì anh nhớ em không chịu được".
Rồi anh ngỏ lời cầu hôn chị. Chị đã từng mất niềm tin vào đàn ông khi bị người yêu phụ bạc nhưng khi nhìn vào mắt anh chị lại nhìn thấy cả tấm chân tình trong đó. Chị gật đầu.
Bố mẹ chị có phần ái ngại khi nghĩ đến hoàn cảnh của anh những thấy chị quyết tâm nên ủng hộ chị. Thực lòng chị cũng băn khoăn liệu có hòa hợp với cô con gái bé nhỏ của anh không? Thế nhưng càng tiếp xúc chị càng thấy quý con bé. Nó không những ngoan ngoãn, thông minh, nhanh nhẹn mà con tỏ ra rất yêu quý, lễ phép với chị. Dù không nói ra nhưng chị biết anh hài lòng về cách mà chị chăm sóc con anh. Ngày giỗ vợ anh, chị đều cúng cơm rất chu đáo. Những tưởng mọi việc cứ diễn tiến theo hướng tốt đẹp nhất là khi chị sắp sinh thêm cho anh một đứa con thế nhưng sự bình yên trong chị bị phá vỡ khi hình bóng vợ anh ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những câu chuyện của anh.
Mỗi lần con bé nhớ mẹ mang ảnh ra ngắm anh lại ôm con vào lòng kể cho nó nghe về mẹ nó, tất nhiên đều là những điều tốt đẹp trước mặt chị. Nhìn thấy con bé nằm ngủ, tay để lên vành tai, anh cười bảo: "Con gái giống mẹ, giống từ bước đi đến cái tư thế nằm ngủ". Cuối tuần, anh chị đưa con đi dạo phố, con bé đòi ăn kem socola nhưng hai bà hàng kem gần đó đều không có, anh lại dẫn con sang hàng khác vừa đi vừa cưng nựng: "Khi còn sống, mẹ của con cũng chỉ thích ăn kem socola thôi".
Từ ngày bầu bí, chị dị ứng với mùi thức ăn, ngửi thấy mùi dầu là chỉ chực ói ra nên cũng không bày biện được nhiều món. Đến bữa ăn, con bé bảo thèm sườn xào chua ngọt. Anh liền quay sang chị nhắc:
- Một tuần, em cố gắng làm cho con một bữa cơm sườn. Từ nhỏ nó đã được mẹ cho ăn quen như thề rồi.
Chị chống đũa, miếng cơm nghẹn lại trong cổ, cố đáp một tiếng "vâng" thật khẽ.
Cuối tuần, mẹ anh gọi điện bảo cả nhà sang bên đó ăn liên hoan mừng cô em chồng vừa thi đỗ cao học. Anh đưa con đi bơi, chị chờ mãi không thấy về nên sang trước để phụ giúp mẹ anh. Buổi liên hoan sẽ rất vui vẻ nêu như không có chuyện đang bữa, mẹ anh buột miệng nhắc: "Nếu như mẹ con Linh còn sống, chắc nó sẽ vui lắm đây". Rồi cũng nhân cái đà đấy, trong nhà mỗi người một câu khen ngợi chị ấy: nào là nấu ăn ngon, giỏi giang, tháo vát, sống tình cảm, chiều chuộng mọi người...
Chị ngồi đó cảm thấy mình lạc lõng. Đã thế trên đường về, khi lên xe, chồng chị bế con gái lên ghế trên ngồi rồi lại kể cho con bé nghe về mẹ nó hồi còn đi học. Chị ngồi ghế sau, cảm giác như quanh mình không còn không khí để thở.
Khi về đến nhà, bao nhiêu điều dồn nén trong lòng chị bung ra hết với anh. Chị nghĩ anh sẽ hiểu ra mà chia sẻ, an ủi chị nhưng chị không ngờ anh gắt lên:
- Em vô lý và ích kỷ vừa thôi. Chẳng lẽ anh không được phép nói chuyện với con gái anh về mẹ nó sao? Chẳng lẽ mọi người trong nhà anh không ai được nhắc đến người mà đã từng là dâu là con trong nhà sao?
Lau những giọt nước mắt đang còn đọng trên mi, chị nhìn tôi hỏi:
- Em là người ngoài, hãy trả lời một cách khách quan chị có phải là người ích kỷ như anh ấy nói không?
Tối lắc đầu. Chị lại nghẹn lời bộc bạch:
- Chị tôn trọng quá khứ của anh ấy, chị cũng không bao giờ muốn phải ghen tị với một người đã khuất, chị đã cố gắng rất nhiều để tạo dựng hạnh phúc nhưng nếu cứ như thế này chị sợ cái bóng quá khứ sẽ phá đi tất cả.