Giữa đêm, tôi giật thót, bàng hoàng. Tôi mơ thấy mình còn nghiện ngập hoặc đang đi cai. Nếu không có vòng tay gia đình, có người vợ chặt dạ thủy chung, chắc giờ này tôi vẫn còn ngập trong cơn ác mộng đó.
Vướng vào ma túy từ năm 1996, khi đang học trung cấp kỹ thuật, tôi được ba mẹ cho cai ở nhà hơn mười lần. Nghe đồn ở đâu có thầy thuốc giỏi về cai nghiện ma túy, dù xa xôi, tốn kém thế nào, ba mẹ tôi cũng tìm đến. Ngày ấy, biết tôi vướng vào ma túy, cô hàng xóm vẫn yêu - một tình yêu vô điều kiện. Cô giấu gia đình chuyện tôi nghiện và một đám cưới rỡ ràng được tổ chức vào năm 2001. Có vợ, tôi có thêm một người để gây tổn thương. Tôi trở thành người gian dối, vô cảm. Tranh thủ lúc vợ sơ hở, tôi lấy tiền dành dụm để mua ma túy. Tôi luôn kiếm cớ để vợ đưa tiền, lúc báo bệnh, lúc khai bị cảnh sát giao thông phạt…
|
Ảnh minh họa. |
Khi phát giác mọi chuyện, gia đình vợ không muốn con gái tiếp tục chịu khổ. Những lúc vợ buồn giận, bế tắc, quay về nhà, mẹ ruột lớn tiếng đuổi xua: “Con phải bỏ nó, nếu không thì đừng về đây nữa!”. Mặc, vợ tôi vẫn yêu. Vợ chồng đùm túm nhau đến ở nhờ nhà người quen, thuê nhà trọ, kể cả gửi tôi về quê nhằm cách ly với ma túy. Vợ tôi lãnh kết hoa gia công để tôi không “nhàn cư vi bất thiện”. Buổi sáng, vợ đi bán, khóa trái cửa nhốt tôi trong nhà. Tôi bị giam nhưng thức ăn luôn đầy đủ vì vợ chu đáo nấu nướng để sẵn.
Tôi đi cai nghiện tại Trung tâm Phú Đức (Bình Phước) năm 2004. Vợ tôi ở nhà một mình mang thai không có chồng chăm sóc, rồi vượt cạn mồ côi. Ở trường cai nghiện, tôi may mắn được học ngành công tác xã hội của trường ĐH Mở TP.HCM. Đèn sách đến khuya, tôi quay quắt nhớ nhà, nhớ vợ, thương đứa con trai đầu lòng chưa một lần thấy mặt cha. Do sinh nở, nuôi con nhỏ và bận mưu sinh, vợ tôi ít lên thăm nhưng luôn gửi đến tôi những lời động viên. Nghe tin có chuyến xe của thân nhân từ TP.HCM lên trường thăm học viên không may bị lật trên đường, tôi thót tim, nghĩ: “Nếu ba, mẹ, vợ, con… của mình ngồi trên chiếc xe đó thì sao?". Nỗi lo trở thành động lực. Hằng ngày, tôi dồn sức vào việc học tập, giúp đỡ các học viên khác.
Năm 2008, được trả về, tôi đứng lặng hồi lâu trước cổng trường, thầm dặn lòng đừng sa ngã. Gia đình đối xử tế nhị để tôi không mặc cảm “con nợ, sống bám”, nhưng vẫn kiểm soát bằng sự quan tâm để tôi không tiếp xúc trở lại với môi trường xấu.
“Chuyến xe” tình thương của bao người đã đưa tôi về ngôi nhà hạnh phúc. Sợi dây xích cai nghiện tại nhà ngày nào giờ trở thành dây treo bao cát để tôi tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Đôi mắt từng đẫm lệ của vợ tôi giờ đã biết cười…