Tôi năm nay ngoài 70, có tất cả 6 cháu nội, ngoại. Cháu lớn nhất của tôi 10 tuổi, hằng ngày cứ có thời gian rỗi là lại chơi máy tính. Nhiều lúc không mở được cháu hỏi tôi làm thế nào nhưng tôi chịu chẳng biết. Cháu chê tôi là lạc hậu, dốt công nghệ. Nhưng tôi lo lắm, cứ tình trạng này, cả ngày tôi chỉ biết có mỗi ti vi là bạn, các cháu chả đứa nào nói chuyện với ông làm tôi rất buồn?
Phạm Đình Liên (Tây Hồ, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
Bác Liên kính mến!
Tâm sự của bác đang đề cập tới một biến đổi xã hội rất sâu sắc do sự tác động của công nghệ hiện đại. Các cháu có các đồ chơi công nghệ phục vụ việc giải trí hay tìm kiếm thông tin nên ít hoặc không dành thời gian bên ông bà để trò chuyện, để tiếp thu những kiến thức, những kinh nghiệm, những lời chỉ bảo của ông bà như trước nữa.
Để rút ngắn khoảng cách giữa ông bà và các cháu trước sự tác động của cuộc sống hiện đại, cách tốt nhất là giáo dục con cháu biết quan tâm tới người khác. Có hai điều quan trọng để trẻ học về sự quan tâm. Thứ nhất, là sự quan tâm lẫn nhau của những người xung quanh, đặc biệt là của cha mẹ. Thứ hai, là sự định hướng, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà đối với trẻ. Người lớn cần phải làm gương cho trẻ về cách sống quan tâm đến người khác, tấm gương đó sẽ phản chiếu lên chính trẻ. Chẳng hạn, khi ông bà ốm mà bố mẹ cũng không quan tâm, hỏi han thì các cháu sẽ ngầm hiểu bản thân mình cũng không cần quan tâm đến ông bà và bố mẹ. Khi các cháu tỏ ra vô lễ với ông bà, cha mẹ hoặc thờ ơ thiếu quan tâm tới người khác, cha mẹ và ông bà cần nhắc nhở, uốn nắn kịp thời.
Trẻ con nhiều khi vô tư, không quan tâm đến mọi người, nếu không được cha mẹ hướng dẫn, sự vô tư đó sẽ trở thành tính vô tâm khi lớn lên và điều đó thật nguy hại cho chính bản thân trẻ.
Chúc bác mạnh luôn mạnh khoẻ và tìm được niềm vui bên con cháu!
TIN LIÊN QUAN