Khóc cười “tứ đại đồng đường”: Nhà như chứa bom B52!

Google News

(Kiến Thức) - Bốn thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà. Mỗi người một tính cách, sở thích, thói quen... Thế nhưng, theo ông Trương Văn Đô thì quan trọng nhất phải có người cầm trịch để hài hòa các thành viên trong gia đình.

"Nhà chẳng khác nào chứa bom B52"

Ông Đô ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương, năm nay 51 tuổi. Vợ ông, bà Trần Thị Tầm kém chồng 5 tuổi. Ông Đô kể, bố mẹ ông sinh được 7 người con (3 trai, 4 gái). Ông là con thứ hai nhưng lại là con trai cả. Vì thế, khi lập gia đình, vợ chồng ông ở cùng bố mẹ đẻ.

Năm 2009, hai đứa con của ông bà đều lập gia đình. Do chưa có điều kiện mua nhà riêng nên vợ chồng cậu con trai vẫn ở cùng ông bà. Riêng cô con gái, cuộc sống vợ chồng trục trặc, cô đã ôm con 3 tuổi dọn về ở cùng bố mẹ đẻ mấy tháng nay. Ngôi nhà của vợ chồng ông Đô hiện có 8 người ở bốn thế hệ cùng sinh sống, gồm mẹ ông - cụ Đặng Thị Nhát năm nay 77 tuổi, vợ chồng ông Đô, gia đình con trai và mẹ con cô con gái.

Ông bảo, nhà đông người, lại ở bốn thế hệ nên sự chênh nhau về quan niệm sống, cách sống là khó tránh khỏi. "Cái khó nhất là chuyện muôn thuở mẹ chồng - nàng dâu. Như nhà người ta chỉ có một cặp của mối quan hệ này cũng đã đủ phức tạp rồi thì nhà tôi lại có tới hai (mẹ tôi với vợ tôi, vợ tôi với con dâu tôi). Lại thêm các cụ có câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" khi con gái ở cùng nhà với vợ chồng con trai tôi. Nhìn vào cảnh ấy, có người ví von nhà tôi chẳng khác nào chứa bom B52", ông Đô cười giòn tan.

Theo ông Đô, trong gia đình "tứ đại đồng đường" thì "dứt khoát phải có
người cầm trịch". 

Rèn con đẻ để nhắc khéo con dâu

Gia đình với những mối quan hệ "nhạy cảm" và "phức tạp" (theo cách gọi của ông Đô) như thế nên "dứt khoát phải có một người cầm trịch, đứng ra làm trọng tài". Và việc đó - nghiễm nhiên ông Đô sẽ là người đảm nhận. "Phải khéo léo lắm mới có thể yên ấm được gia đình cho đến giờ phút này. Muốn vậy, tôi phải giải quyết từng khâu một, nhiều khi cũng đau cả đầu đấy cô ạ", ông bộc bạch.

Đoạn, ông Đô dẫn giải: "Tôi tâm niệm, trong gia đình, quan trọng nhất là các thành viên phải hiểu biết lẫn nhau. Vợ tôi tính hiền lành, ít nói nhưng lại hay tự ái. Thế nên, nhiều khi chồng, mẹ chồng có nói điều gì không vừa lòng là mặt nặng mày nhẹ. Tôi ở giữa, nếu bênh mẹ thì lại bị vợ cho là phụ thuộc quá, nhưng bênh vợ thì mẹ lại buồn khi nghĩ mình coi vợ hơn mẹ. Thế nên, một mặt tôi phải giải thích cho vợ thấy rằng mẹ nói như thế không hoàn toàn có ác ý gì với con dâu. Một mặt tôi cũng nói để mẹ hiểu tính nết vợ tôi như thế nào để mẹ con giữ hòa khí trong nhà. Cứ như thế, mưa dầm thấm lâu, sau thì hai người phụ nữ cũng dần hiểu nhau, không tỏ ra chấp nhặt nữa".

Sau này, khi con trai lập gia đình, ông Đô cũng gợi ý cho con dâu biết tính nết bà nội, mẹ chồng. "Thế nhưng các con còn trẻ người non dạ, nhiều khi cá tính quá nên cũng khiến bà, mẹ phật lòng. Tôi thống nhất với mẹ và vợ là không chửi mắng, trách cứ con dâu nếu con có làm sai điều gì. Thay vào đó, chúng tôi sẽ góp ý với con trai để con chỉ bảo vợ. Như thế mình đỡ mang tiếng với con dâu, không khí gia đình cũng bớt nặng nề. Hay như việc thấy nhà cửa bẩn, tôi chỉ nhắc con gái đi lau dọn trước mặt con dâu. Sau đó, tôi không bao giờ phải nhắc nữa vì cả con gái và con dâu đều biết việc mà làm", ông Đô chia sẻ.

Bây giờ, điều ông Đô cảm thấy tự hào là gia đình "tứ đại đồng đường" của mình chưa từng xảy ra một xích mích lớn nào để bà con hàng xóm biết chuyện, chê cười.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
An Nhiên

Bình luận(0)