24 tuổi, lấy chồng rồi về làm dâu, ai cũng bảo số cô là số hưởng. Gia đình chồng tuy không giàu đến “nứt đố đổ vách”, nhưng với hoàn cảnh một mẹ, một con, căn nhà rộng hơn 60m2, có hai lầu và một sân thượng, thêm cô về nữa thì chừng ấy diện tích vẫn là quá rộng.
Mẹ chồng chỉ mới ngoài 60, chuyện bếp núc khỏi phải bàn. Khoảng thời gian trước khi cô sinh em bé, thỉnh thoảng nàng dâu mới vào bếp tự tay chế biến món này món kia đãi chồng và mẹ chồng. Còn lại hầu hết các bữa ăn trong ngày, hai vợ chồng đã quen với việc đi làm về nhà có cơm canh dọn sẵn, chỉ việc thay đồ, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn, cà kê trăm ngàn chuyện vụn vặt trên đời. Thu chi trong nhà đã có một tay mẹ chồng quán xuyến.
Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ gửi bà một khoản cố định gọi là tiền chợ, tiền điện, tiền nước. Hơn một năm đầu hạnh phúc trong cảnh vợ chồng son, cô chưa một lần bận tâm đến chuyện chợ búa, tiền bạc. Cơm canh mỗi bữa mẹ chồng cho ăn gì, hai người ăn nấy. Món nào không hợp khẩu vị thì cứ vờ chạm đũa, đến tối hai vợ chồng trốn ra ngoài với lý do “hóng gió”, song thực tế là lang thang hàng quán kiếm món “tủ”.
|
Ảnh minh họa. |
Cuộc sống cứ thế yên ả trôi qua, mãi đến khi cô có bầu rồi sinh con, chồng thuyên chuyển công tác. Không còn “đồng minh” trong những phi vụ ra ngoài “hóng gió”, với lại con còn nhỏ, cô cũng ngại ra ngoài một mình. Cả chuyện nấu cháo cho con, mẹ chồng cũng giành làm nốt. Nhiều lúc đọc sách báo, xem ti vi, cô biết nên bổ sung thêm chất gì cho con, không nên kiêng kỵ những món ăn nào, nhưng hỡi ôi, tất cả đã vào guồng do mẹ chồng quán xuyến, không cách nào thay đổi. Giải thích xa gần đủ điều, mua sách báo, tạp chí dinh dưỡng về cho bà coi nhưng đều bị bà thẳng thừng từ chối: “Ngày xưa một tay mẹ nuôi thằng Minh khôn lớn, học hành đỗ đạt đến hôm nay. Trước giờ con không biết gì chuyện bếp núc, cứ để mẹ lo, đừng nhúng tay vào”. Tối về tỉ tê với chồng, anh xua tay bảo: “Mấy chục năm qua mẹ quán xuyến trong ngoài có xảy ra việc gì đâu. Em cứ để mẹ lo, chẳng chết đâu mà sợ”.
Ừ, thì chẳng chết. Nhưng nhìn con ăn uống một cách thiếu khoa học, có người mẹ nào chặc lưỡi cho qua. Ngay đến việc mua đồ chơi cho con, chọn loại tã lót, sữa tắm em bé của hãng nào cũng bị mẹ chồng chi phối. Lần nào cũng vậy, cô chỉ biết trốn vào phòng riêng ngồi khóc một mình. Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng. Người ta đã quen với việc mặc định cô được phép làm, không được phép làm điều gì, ngay cả chuyện can thiệp hay góp ý cũng là điều không tưởng.
Ngày xưa còn có chồng hú hí. Ở nhà không ưng bụng điều gì hai vợ chồng trốn ra ngoài tìm cái “ưng” cho riêng mình. Còn bây giờ, chồng bận bù đầu, con đã có nội trông. Cô làm mẹ mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không quyết định được cho con mình. Ngày qua ngày trôi theo một chu trình được cài đặt sẵn: buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà đến chỗ làm, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm và ngồi làm khách nhìn bà nội chăm cháu. Chiều quay lại chỗ làm, chờ đến hết giờ lại chạy về nhà làm khách. Muốn nhúng tay vô việc gì cũng bị chặn “để đó mẹ làm cho”. Hai việc cô có thể làm trong ngôi nhà này mà không bị ai ngăn cản hay cấm đoán là quét nhà và… cho con bú.
Bạn bè nhìn vào, nội ngoại hai bên trông sang, ai cũng cho cô là có số hưởng. Ừ thì đúng cô được “hưởng” nhiều thật. Cô giống như con rô–bốt được người ta ôm về chưng trong tủ kính, chẳng biết thời tiết nóng lạnh là gì, đến giờ ăn thì người ta nhấn nút báo hiệu cho nó ngồi vào bàn ăn, đến giờ ngủ thì đọc câu mệnh lệnh cho nó phải ngủ. Trong ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang đó, nó gần như chưa có quyền đưa ra bất cứ quyết định hay yêu cầu gì, dù đôi khi quyết định đó liên quan đến chính bản thân nó hay núm ruột do nó đứt ruột đẻ ra.
Cô thèm một lần được bận bịu như chú ong cần mẫn chăm sóc cho chồng con. Thèm được nấu một món ăn ngon, mua một món đồ chơi đẹp và hạnh phúc ngồi nhìn con ăn hết chén hoặc ôm chầm lấy mẹ. Nhưng than ôi, ngay cả quyền được nói ra những mong muốn, khao khát thầm kín đó cô còn không có, nói chi đến quyền làm mẹ, làm vợ, làm dâu.