Mang con cái ra đe dọa chồng là “chiêu” không ít phụ nữ thường áp dụng, cho là chồng sẽ vì con mà “đầu hàng”. Lợi dụng tình phụ tử, các bà vợ cố biến chồng thành người biết mỗi vợ con trên đời.
Anh Hải là công nhân một nhà máy dệt ở Q.7, TP.HCM, nhà lại ở Bình Chánh. Mỗi ngày anh phải vượt 20km để đến chỗ làm. Vậy mà hễ con ốm đau bất chợt, dù là nóng sốt nhẹ, anh cũng bị vợ gọi về cho bằng được. Nhiều lần nghỉ việc giữa chừng, bị sếp nhắc nhở, nhưng anh không thể không về do quá lo lắng cho con. Bạn bè, người thân ái ngại cho Hải, vì ngoài thời gian làm việc ở nhà máy, hễ gặp anh ngoài đường, thể nào cũng thấy anh kéo theo hai “rơ móoc”. Hai con anh luôn theo sát bố, từ chuyện học thêm buổi tối, đi bác sĩ, đến cả việc đợi bố… nhậu.
Có lần Hải đang trong phòng họp thì vợ gọi anh về chở con đi khám bệnh, vì con đang nóng sốt, miệng lảm nhảm gọi tên bố. Anh xin phép về trước, phóng như bay về. Tới nhà, anh thấy vợ đang đút cháo cho con, sờ trán thấy con chỉ sốt nhẹ, anh cố kìm lại để không nổ tung những bực tức dồn trong lòng bấy lâu. Không ít lần anh khuyên vợ nên tự giải quyết những tình huống đơn giản, hạn chế phóng đại tình trạng của con để anh yên tâm làm việc, nhưng vợ anh lại kiếm cớ giận dỗi, phó thác con cái cho chồng...
|
Ảnh minh họa. |
Biết chuyện nội trợ và chăm con nhỏ dễ khiến vợ stress, vợ lại hay tự ti, ghen bóng ghen gió, Hải rất thông cảm chuyện vợ mang con ra làm “con tin” để dọa chồng. Nhưng anh càng thông cảm, vợ anh càng lạm dụng, chỉ muốn anh quan tâm duy nhất đến vợ con mọi lúc mọi nơi, đến nỗi làm việc gì vợ anh cũng lồng ghép con cái vào với ngụ ý nhắc nhở, thậm chí đe dọa. Có người châm chọc, nói khích rằng Hải “làm ra tiền mà chẳng có thời gian tiêu xài”, rằng đàn ông mà làm cả chuyện đàn bà, nhu nhược… Anh không quan tâm đến những lời đàm tiếu, nghĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng thật sự bản thân anh cảm thấy quá mệt mỏi nên quyết tâm chấn chỉnh.
Phản ứng ban đầu của vợ anh là giận dỗi, nghi ngờ, thậm chí bỏ mặc con cái. Khi thấy chồng quá cương quyết, chị đành “tự xử”. Dần dà chị cũng quen, dù ban đầu gia đình có phần lục đục, kém vui. Bản thân chị, khi tự mình quyết định những việc trong giới hạn, chị cảm thấy mình tự tin và nhạy bén hơn, chủ động được thời gian và nhất là thấy chồng vui vẻ, thoải mái hơn trước rất nhiều.
Khi không còn sự áp đặt, khi đã chủ động được mọi việc, vợ chồng sẽ tìm thấy sự thoải mái, tôn trọng lẫn nhau. Độc lập trong suy nghĩ, tự quyết định và chịu trách nhiệm những việc mình làm sẽ mang lại những bài học bổ ích, trở thành vốn sống, thành những trải nghiệm cụ thể và thiết thực cho mỗi người.