Chồng tôi là con một của gia đình có đến 5 người con gái, vì vậy khi biết tôi có mang ngay sau khi đi trăng mật trở về, cả nhà chồng vui mừng không kể xiết. Mẹ chồng lo bồi bổ thuốc men cho tôi và đi chùa cầu cúng khắp nơi.
Cuộc sống của tôi chả khác gì bà hoàng, chẳng phải làm gì, cái gì bổ nhất, ngon nhất cũng được ăn đến chán, vậy mà con trai tôi đẻ ra, có hai cân rưỡi, xanh rớt khiến bố chồng tôi lo lắng. Thằng cháu chưa đầy tháng, ông đã bàn với bố nó sinh thêm đứa nữa cho chắc. Chuyện ấy tôi không biết nên chẳng phòng ngừa, lại chẳng có kinh nghiệm nên thằng đầu mới 6 tháng, tôi đã có mang đến tháng thứ ba. Khi tôi khóc mếu báo tin có thai đôi và đều là con trai, bố chồng tôi đã cười hả hê, bảo: “Hai đứa giỏi quá, mà có thai thì đẻ chứ sao phải khóc...”. Tôi lo sức khỏe của các con tôi khi sinh gần nhau, tôi lo mình không đủ sức và cả không đủ điều kiện để nuôi các con chu đáo thì bố chồng tôi bảo: “Mẹ mày sinh đến 6 đứa, chả có gì ăn mà đứa nào cũng khỏe mạnh, có sao đâu. Một mình mẹ mày nuôi cả đấy mà cũng xong tất đâu có khiến đến bố. Đằng này hai đứa còn có bố mẹ trợ giúp, lo gì”.
Hai đứa sinh đôi được năm tuổi thì bà nội ngã bệnh, chị cả đón bà về để chăm sóc. Thế là tôi trở thành “của độc” trong nhà. Chồng tôi vốn được nuông chiều nên chẳng biết làm gì. Tiếng là làm bố của 3 đứa con nhưng anh cũng chỉ chơi với con như chơi búp bê chứ chưa từng cho con ăn hoặc thay cái tã cho con. Thằng đầu đến tuổi đi học anh cũng chẳng lo dạy dỗ nó, còn bảo: “Anh có được ai dạy đâu mà vẫn giỏi”. Ông nội thì khỏi nói. Các con ông, ông còn chẳng nuôi, chẳng dạy nói gì đến dạy cháu.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi lo chuyện nhà cửa, cơm nước đã mệt đứt hơi còn phải đối phó với 3 thằng con trai nghịch như giặc có lúc tưởng mình phát điên lên được. Nhưng hễ tôi sai bảo hay mắng mỏ chúng là ông lại bênh, không quát con dâu thì ông đưa cháu đi chơi cho khuất mắt mẹ chúng. Ông còn cáu: “Thấy vất vả quá thì nghỉ việc công ty đi, ở nhà mà lo chăm sóc gia đình. Đẻ con ra thì phải nuôi dạy chứ kêu ca nỗi gì. Mẹ chúng mày nuôi đến 6 đứa mà nhà cửa cứ êm ru”.
Vẫn biết mẹ chồng tôi rất vất vả khi một mình phải nuôi 6 đứa con, nhưng bà vẫn được một điều an ủi: “Cũng may con gái đảm đang, biết thương mẹ. Cứ đứa lớn trông đứa bé chứ mẹ nào trông cho xuể. Đứa nào năm, sáu tuổi cũng đã biết chợ búa cơm nước. Chị cả đảm đang giỏi dạy các em, chúng còn sợ chị hơn cả mẹ vì mẹ đâu còn thời gian mà dạy dỗ chúng. Mới bẩy tuổi chị cả đã biết kiếm tiền giúp mẹ. Chả là nhà hàng xóm có nghề đan len, chị sang chơi rồi nhìn mà biết đan. Bác hàng xóm thương nên cho chị đan mũ kiếm tiền. Rồi con chị dạy con em, đứa nào cũng tự kiếm tiền nuôi mình ăn học chứ bố các con đâu có đưa về được đồng nào. Chán con gái nên bố kiếm được bao nhiêu là đổ vào rượu hết”. Tôi chẳng mong 3 thằng con trai giúp việc nhà, chỉ cần chúng bớt nghịch, bớt phá để tôi bớt phải dọn dẹp mà cũng không được. Chúng không chỉ chơi mà còn chơi dại, chơi ác.
Ai đời chơi súng phun nước mà chúng hút nước cống phun vào mặt nhau, phun cả vào tivi. Chúng ngồi học mỗi đứa một góc mà vẫn đến trêu chọc nhau, thằng anh vừa nhổm lên thằng em đã lẻn đến bê cái ghế ra xa để thằng anh ngồi hụt ngã đập đầu xuống đất. Thằng em đi qua, thằng anh ngáng chân cho ngã. Mẹ đang lau nhà chúng đuổi nhau còn cố tình đạp vào cái xô nước để nước đổ lênh láng ra nhà cho đứa kia trượt ngã. Vậy mà mắng chúng thì ông và bố lại bênh, bảo: Con trai hiếu động. Mẹ nhờ chúng giúp việc nhà thì chúng lờ tít đi. Mẹ ốm không dạy nổi để lo cơm nước chúng chẳng lo cho mẹ còn kêu đói ầm ĩ rồi rủ ông và bố đi nhà hàng. Cả 5 người đàn ông đi ăn về lăn ra kêu no quá mà không ai hỏi người ốm lấy một câu “Ăn gì chưa?”.
Những lúc phục vụ mọi người, tôi chỉ nghĩ một điều để an ủi, rằng đó là chồng con, là người thân của mình. Nhưng khi ốm đau thì mới thấm thía nỗi buồn, thấm thía sự cô đơn. Dù khó khăn thế nào cũng phải đưa chồng, các con trai vào khuôn khổ để họ ý thức về tình thân, không vô tâm, vô tình, ích kỷ.