Bình yên bé mọn của đàn bà nơi xó bếp

Google News

Đôi lúc chị cũng thấy hơi xót xa cho thứ bình yên bé mọn của mình, suốt ngày chỉ bấu víu vui buồn vào người đàn ông bận rộn...

Anh trở về nhà nồng nặc hơi men sau buổi liên hoan ở cơ quan. Chị thức đợi chồng với ly nước ép cà chua và mâm cơm, chỉ chờ nghe tiếng xe dừng ngoài cổng là mang đi hâm nóng. Anh sẽ uống nước ép cà chua để giải rượu, chắc chắn vậy, còn cơm thì… họa hoằn mới có hôm động đũa.
Không sao, chỉ cần thấy anh vui, nói với chị một câu, cười với chị một tiếng, hôn các con rồi lăn ra ngủ là chị đã yên lòng. Đôi lúc chị cũng thấy hơi xót xa cho thứ bình yên bé mọn của đàn bà nơi xó bếp, suốt ngày chỉ bấu víu vui buồn vào người đàn ông bận rộn với công việc ngoài đường, đôi khi về nhà còn vương vít vài sợi tóc của người đàn bà khác. Nhưng, chỉ cần thấy họ trở về là vui, dù đêm đã khuya, dù cơm đã nguội, dù lời hứa hẹn đã bị người đàn ông lãng quên ngay từ khi vừa thốt ra. Có rất nhiều người đàn bà như chị, sống thân phận tầm gửi, bám riết vào tình yêu mà sống, nhỏ nhoi đến quên cả hương sắc, thân nhánh của chính mình…
Ngày xưa, gia đình chị sống bằng nghề đi tìm tầm gửi về bán cho bà con chữa bệnh. Nhà trên núi, cây cối um tùm, mẹ chị làm nghề bốc thuốc nam, luôn nói mỗi loài cây là một thứ thuốc. Những tháng năm ấu thơ quen với việc luồn rừng, ngửa cổ kiếm từng nhánh tầm gửi nên đã không ít lần chị hỏi mẹ về loài cây cả đời sống nhờ trên thân cây khác. Bà cười bảo “Nói gì chuyện cỏ cây cho xa xôi, con người cũng vậy thôi, người này tựa vào người kia để sống”. 
Chị nhìn mẹ cả đời vì chồng con, không nghĩ cho mình dù là manh áo mới, giấc ngủ ngon nên cứ lầm lũi như chiếc bóng. Bố là bộ đội biên phòng, thời trẻ mải phấn đấu, công việc lại xa xôi, cả năm mới về nhà được một lần. Vài ngày bố ở nhà, chỉ thấy ông trách mẹ sao để thằng út mặc cái áo cũ nhàu, sao không quan tâm đến chuyện học hành của cái Na để chữ viết quá xấu, sao lại để mái nhà hổng tứ bề lỡ mưa gió thì biết làm sao… Mẹ cười mà không phân bua lấy một lời. Mỗi lần về nhà bố để lại cho mẹ cái bụng bầu, vài tháng sau mới thấy nhô lên, như để bày ra cho thiên hạ thấy nhà này vẫn có đàn ông trụ cột, người đàn bà này đã có chồng. Nhưng, không như hình ảnh đàn ông nhà người ta trong cái bóng điện bếp cháy được thay, cái chân ghế lung lay được chêm cho chắc, cái quạt bám đầy bụi đã được tháo ra lau sạch…; ở nhà chị, mấy việc đó chị vẫn thấy mẹ lụi cụi làm. Ai có hỏi “Sao mấy ngày anh nghỉ phép chị không bảo anh làm?”, mẹ chỉ cười.
 Ảnh minh họa.
Mình mẹ xoay xở với bốn đứa con. Mẹ lo từ mũi kim sợi chỉ, từng trận sài đẹn trắng đêm, cho đến việc đứng ra bênh vực tụi nhỏ khi bị bạn bè bắt nạt, chặt tre làm diều khi thằng út mè nheo “bố bạn Tèo biết làm diều đẹp cực”. Những lúc đó bố còn bận ở thao trường. Sau này, do sai phạm bố xin về hưu sớm. Bố sống triền miên trong những ngày buồn. Mẹ nhẫn nhịn, tận tụy chăm sóc bố không một lời thở than. Mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn sống bằng vui buồn đời bố. Sau này, chị vẫn thường cảm thấy an ủi khi thấy bố ngồi ngoài hiên. Chị tin, trong dáng ngồi ấy có bóng hình của mẹ.
Rồi đời mẹ lẫn vào đời chị lúc nào không hay. Chị từng có quãng đời tuổi trẻ sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Từng học hành giỏi giang, có công việc ổn định nhưng từ khi lấy anh, chị lui về vun vén gia đình, lo cho anh từng bữa ăn giấc ngủ. Anh là người đàn ông thành đạt, chị biết vậy không chỉ qua số tiền anh kiếm được mà cả ở sự trọng vọng của nhiều người. Anh đối xử tốt với chị bằng việc ngày nào cũng trở về nhà, cũng chạm môi vào cốc cam vắt hay nước cà chua ép, cũng âu yếm nhìn vợ. Anh không có nhiều thời gian để quan tâm chị thích gì, cần gì, chị cũng nào có trách. Ngay cả việc cuối năm công ty anh liên hoan, ai cũng dẫn vợ con đến, duy chỉ anh là không. Vợ người ta là doanh nhân, nhà báo, giáo viên, chỉ có vợ anh là ở nhà nội trợ. Chắc tại hàng ngày chị không mặc váy đẹp, không nói lời hoa mỹ nên anh nghĩ giao lưu tiệc tùng không hợp với người như chị. Lúc cậu lái xe đến đón anh vô tình hỏi sao chị không đi, chị cười bảo thấy trong người không khỏe. Tối ấy chị vẫn thức đợi anh về…
Chị đi họp lớp, thấy bạn bè ai cũng thành đạt cả, chỉ mình chị không có gì để trang hoàng cho cuộc sống của một người đàn bà đã ngoài 30. Nhưng chị vẫn vui, vẫn hãnh diện về anh, về mái ấm nhỏ của mình. Đàn bà lấy chồng con làm sang thì có gì sai. Có người đàn bà rực rỡ như những đóa mai thì cũng có những người nép mình như loài hoa bé nhỏ. Cây tầm gửi cả đời sống nép mình vào thân cây khác thì người đời vẫn cứ mỏi cổ kiếm tìm để chữa bệnh, để làm giảm những cơn đau nhức. 
Mỗi loại tầm gửi là một phương thuốc, là sự sống hữu ích với đời theo cách riêng. Chị đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ rời xa những vui buồn, mưa nắng đời anh. Cho đến khi thân cây lớn ấy không còn cần đến chị. Phía sau những đêm say là một người đàn bà khác. Nên có những đêm, mặc cho chị mỏi mòn cũng không có tiếng xe dừng trước cổng. Mấy đứa nhỏ đã quên thói quen thức đợi cha. Có thể hôm sau anh sẽ trở về, lúng túng cười với chị và ngượng ngùng hôn các con.
Chị không biết làm cách nào để trả lại cho các con một người bố như xưa. Mẹ chỉ khắc họa trong chị một người đàn bà cam chịu, hết lòng vì chồng con. Mẹ không dạy chị phải làm gì khi người đàn ông của mình đã thuộc về người đàn bà khác. Lẽ nào chị chỉ biết lặng im? Bao nhiêu năm qua chị chỉ biết thể hiện ngôn ngữ thương yêu bằng hành động, bao nhiêu muộn phiền chất chứa giờ cũng khó có thể cất thành lời. Lẽ nào anh không nhận ra trong ánh mắt buồn vời vợi của chị là sự tổn thương rất lớn? Lẽ nào anh đánh đổi gia đình này lấy một cuộc tình tạm bợ ngoài kia? Mỗi ngày ngồi ở nhà vò võ chờ chồng khiến chị cảm thấy ngộp thở, tiều tụy đi nhiều. Chị thấy mình cần phải thở, phải sống. Chị biết mình không thể rời xa anh nhưng chị cũng không thể tự giết chết mình bằng cuộc hôn nhân này. Chị muốn ít nhất anh cũng phải một lần ngoái nhìn lại. Chị không muốn sống như một kẻ vô hình.
Con trai nghỉ hè, chị quyết định dừng việc chờ đợi anh mỗi ngày bên mâm cơm, thôi không nhìn theo anh bằng ánh nhìn van lơn tội nghiệp nữa. Chị dẫn con về quê ngoại một thời gian. Ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cửa đóng then cài, chị đã nghĩ cứ thử không làm thân tầm gửi nữa xem cuộc đời sẽ ra sao. Liệu anh có thấy buồn khi vắng chị? Đôi khi, sự tận tụy dễ khiến người ta ngộ nhận rằng người phụ nữ ấy dù thế nào cũng không bao giờ rời khỏi góc bếp nhà mình. Người ta thấy không cần có phận sự vun vén cho mối quan hệ này, người ta thờ ơ, lạnh nhạt đến tàn nhẫn. Đôi khi cũng phải biến mất trước mắt họ, chí ít là một lúc, để họ biết cảm giác trông đợi, kiếm tìm. Chị tin những ngày sau khi anh trở về ngôi nhà quạnh quẽ, lạnh lẽo này, hẳn anh sẽ nhìn lại con đường mình từng đi lạc. Sẽ thấy cây tầm gửi của tình yêu vốn không bao giờ tự bứt ra khỏi thân cây mà chúng ký sinh, mà chính anh đã bứt người đàn bà từng vì những vui buồn, mưa nắng đời anh mà sống. Khi nào anh thấy mình đã sai, thấy cuộc đời mình thực ra rất cần đến cây tầm gửi nhỏ, khi đó chị sẽ quay về…
Theo Phụ Nữ CN

Bình luận(0)