Nếu ai hỏi tôi, chỗ nào trong nhà làm tôi sợ nhất, tôi sẽ trả lời ngay: đó là căn phòng tầng lửng, nơi vợ tôi trưng dụng để… cất đồ hiệu.Trong căn phòng ấy, chễm chệ một kệ giày, một tủ đựng túi xách, hai tủ đựng quần áo, một bàn phấn đựng đủ thứ mỹ phẩm. Tuy diện tích chưa đến 20m2, nhưng căn phòng ấy đã làm kinh tế gia đình tôi hao hụt đáng kể, là nguyên nhân của bao trận cãi vã nảy lửa, khiến vợ chồng tôi suýt ly hôn mấy lần…
Lấy nhau hơn 5 năm, về "phạm trù" mua sắm, tôi vẫn chẳng thể nào hiểu được vợ tôi nói riêng và phụ nữ nói chung. Tôi chỉ có hai đôi giày trong khi vợ tôi có hơn 30 đôi - cao thấp, gót nhọn, gót bằng… đủ cả. Túi xách tôi chỉ có một, trong khi vợ tôi có đến... một tủ, đủ màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng. Quần áo thì khỏi nói, chất đầy hai cái tủ to chưa đủ, còn phải đựng thêm trong… bao. Tôi cực kỳ ghét cái quy trình vô nghĩa: lượn lờ vài tiếng ngoài cửa hàng để ngắm nghía, thử tới thử lui cả tiếng đồng hồ xem món mình chọn có vừa không; trả cả đống tiền để rước về nhà cất vào tủ, năm bảy tháng sau mới lôi ra dùng một lần, thậm chí có món quên luôn không dùng. Nhưng, vợ tôi thì lại xem đó là một thú tiêu khiển, một niềm đam mê.
|
Ảnh minh họa. |
Nếu chỉ đơn giản mua nhiều đồ thôi thì cũng chẳng nói làm gì. Khổ nỗi, mấy món đồ cô ấy mua, chẳng món nào rẻ. Lúc đầu tôi không biết, cứ nghĩ bụng, mấy thứ đồ ấy chắc chỉ vài trăm ngàn một món. Thu nhập gia đình không đến nỗi nào, vợ mua sắm chưng diện cũng hợp tình, hợp lý. Lần nọ, vô tình đọc được hóa đơn tính tiền vợ bỏ quên trên bàn, tôi toát mồ hôi hột: một đôi giày giá gần ba triệu, cái giỏ xách những hơn năm triệu. Tôi gặng hỏi, cô ấy mới thú thật, mấy thứ đồ cô ấy chất trong phòng toàn là đồ hiệu, không thứ nào giá thấp hơn “một chai”. Nhẩm tính sơ sơ, căn phòng của vợ tôi những hơn 300 triệu. Lúc này, tôi mới hoảng hồn nhớ tới việc vợ tôi là tay hòm chìa khóa, mọi khoản tiền tôi làm được đều đưa cô ấy giữ. Kiểm tra lại quỹ gia đình - dùng để chi tiêu những khoản lớn hay đề phòng những biến cố bất ngờ, tôi phát hiện quỹ ít hơn tôi nghĩ rất nhiều. Vậy là, công sức tôi vất vả bao năm mới kiếm được đã bị cô ấy hiến hết cho những món đồ hiệu phù phiếm. Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Sau lần ấy, tôi thu hồi lại được quyền kiểm soát tiền bạc trong nhà, nhưng trong mắt cô ấy, tôi trở thành một gã đàn ông keo kiệt, bủn xỉn.
Cứ ngỡ không còn nắm tiền bạc, tật mua sắm của cô ấy sẽ dần giảm bớt. Không ngờ, “bệnh” ngày càng nặng hơn. Cô ấy làm văn phòng, lương tháng cũng gần mười triệu. Mấy năm nay, cô ấy chả góp đồng nào cho gia đình mà đem hết tiền “giúp đỡ” cho Gucci, Louis Vuitton… Thậm chí, mấy bận mẹ cô ấy bệnh, em cô ấy gặp tai nạn, hỏi đến cô ấy thì chẳng có đồng nào, tôi đành phải lấy tiền nhà ra giúp.
Giờ tôi chẳng biết làm sao cho vợ mình thay đổi. Nói nhỏ nhẹ không xong, làm dữ thì vợ chồng cãi nhau, gia đình xào xáo. Mà cứ để yên cho cô ấy shopping như thế, tôi cứ ấm ức, khó chịu. Chẳng lẽ lại chia tay?