Mỗi lần về quê chồng là những ngày “ác mộng” với chị Mai Thu Yến. ở TP. Hải Phòng. Không phải vì ngại đường xá xa xôi, đi lại mệt nhọc, ngại việc họ hàng giỗ chạp, cưới xin lắm thủ tục ở quê mà việc khiến chị buồn phiền nhất chính là thái độ đối xử của gia đình nhà chồng, mẹ chồng, chị em chồng.
Lần nào về quê góp giỗ hay cưới xin, thăm nom, chị đều bị nhà chồng “mát mẻ” đủ điều: “Vợ chồng giàu thế mà ki bo”. Ban đầu, chị Yến nghĩ mãi không hiểu sao gia đình bên chồng lại luôn kêu ca, đòi hỏi biếu nhiều tiền nong, quà cáp như vậy. Với mức thu nhập công nhân viên chức “tàng tàng” của vợ chồng anh chị, trừ tiền ăn tiêu thì dư dật chả đáng bao. Thế nên mỗi lần về quê, góp giỗ hay đám cưới, chị cũng phải tính toán rất chi li để sao cho tiết kiệm nhất.
Nhiều lần, chị Yến than thở với nhà chồng, lương vợ chồng chị eo hẹp nên chưa dám sinh cháu thứ hai vì lo tiền ăn học của thằng đầu đã chóng mặt. Thế nhưng, khi ấy chị chỉ nhận được những cái cười khểnh của nhiều chị em bên chồng.
|
Ảnh minh họa. |
Dần dần, chị mới hiểu ra, mọi suy nghĩ, thái độ đối xử của nhà chồng với chị xuất phát từ thói quen hay “nổ” của anh Huy, chồng chị. Bình thường, ở nhà hay đến chỗ làm, anh luôn là hòa nhã, nói năng từ tốn. Ấy vậy mà mỗi khi về quê, anh lại “bật máy” khoe khoang về sự giàu có của mình: “Lương của cháu chỉ nửa năm là “kiếm” được con ô tô 4 bánh. Mấy lần cũng định mua ô tô nhưng mắt cháu kém, đi xe sợ không an toàn. Thêm nữa, vợ cháu nhất quyết không cho mua, vì cứ lo “gái” theo. Ở thành phố, kiếm tiền “cỡ” như cháu thì có vợ rồi, gái trẻ vẫn bám theo”.
Mọi người trong họ hỏi về thu nhập thì anh luôn miệng “nổ”, rằng chỉ cần vài cái hợp đồng là có vài chục triệu đồng; còn lương hành chính vài triệu đồng của vợ chả bõ bèn gì. Không ít lần anh “mạnh mồm” tuyên bố: “Vợ con đi làm cho… vui. Chứ vài triệu chả đủ tiền cô ấy chi tiêu mua sắm hàng hiệu, không thích đi làm thì ở nhà chồng nuôi”.
Vô hình chung, trong mắt nhà chồng, chị chỉ có “số hưởng”. Nào là lấy chồng không phải làm dâu nhà chồng, lấy chồng “kiếm cả bạc tỉ”, lại thương vợ thương con, chỉ cần ở nhà “ngồi mát ăn bát vàng”… Đủ thứ tiếng “sướng” mà thói “nổ” của anh “đeo” lên cho chị trong khi mỗi tháng, chị đều phải “tay năm tay mười” kiếm thêm đủ thứ việc để bù vào trang trải sinh hoạt, chi tiêu.
Biết chồng là người lo lắng cho gia đình, lương có bao nhiêu cũng đều “nộp” đầy đủ cho vợ nên chị chưa bao giờ có suy nghĩ coi thường mức thu nhập “ba cọc ba đồng” của anh. Chị cũng luôn coi chuyện tiền nong trong gia đình là vợ chồng bình đẳng cùng “xắn tay” vun vén.
Thế nhưng, mỗi lần góp ý chuyện anh “nổ” quá đà là chồng lại bực dọc: “Về quê biết bao anh em họ hàng cùng lứa với anh, họ chỉ buôn bán mà xây được nhà lầu, sắm được xe hơi. Mình ở trên thành phố mà “úi xùi” để chúng nó “khinh” cho à? Anh nói như thế để em và con “mát mặt”, anh cũng có thêm “động lực” để phấn đấu. Còn bố mẹ, họ hàng già rồi, suy nghĩ chưa thông, em là phận dâu con lại chấp nhặt à?”.
Nhìn lên lịch thì sắp đến ngày về quê chồng ăn giỗ, chị Yến lại thấy lo lắng, bởi “bệnh nổ” của chồng chưa có thuốc đặc trị. Thực tế, không ít người lâm vào tình trạng “thùng rỗng kêu to”. Điều này khiến không ít nửa kia hoặc người thân khó xử, thậm chí bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu ông xã mắc “bệnh” này, chị em không nên “phản pháo” khi chồng đang ba hoa ở chỗ đông người mà nên tìm thời gian, không gian thích hợp, khi chỉ có 2 người để góp ý, giúp chồng sửa “sai”. Khi trao đổi, cũng không nên chỉ trích, mà cần phân tích, đưa ra những hậu quả của “bệnh nổ” để nửa kia hiểu và dần khắc phục thói quen này.