Một bé gái 15 tuổi ở Hóc Môn (TP.HCM) uống 17 viên thuốc chữa bệnh động kinh để khỏi phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ. Một thiếu nữ 17 tuổi ở Phú Yên uống thuốc trừ sâu vì buồn bực khi thấy cha mẹ thường xuyên khẩu chiến… Những sự vụ thương tâm đó là hồi chuông cảnh báo chung cho các bậc cha mẹ.
Đừng nghĩ con cái vô can
Trong quá trình tư vấn tâm lý học đường, tôi thường tiếp nhận nhiều nỗi lòng của học sinh khi gia đình các em trở thành “khu vực chiến sự” với những cuộc cãi vã, thậm chí đánh nhau giữa cha mẹ. Có những trẻ nỗi niềm u uẩn trong lòng cứ lớn dần, thành những tổn thương tâm hồn và hằn sâu suy nghĩ tiêu cực, thậm chí khiến chúng có những hành vi bắt chước mà hậu quả khó lường.
Tôi từng được mời làm hội thẩm nhân dân một phiên toà xét xử vụ án cướp của giết người, mà bạn trẻ đứng trước vành móng ngựa hôm đó còn vài tháng nữa mới bước vào tuổi 18. Cuộc đời em lẽ ra đã đi trên một con đường sáng sủa hơn, nếu bốn năm trước em không quyết định bỏ nhà đi bụi để thực hiện lời thề: “Cha mẹ cứ cãi nhau, con bỏ nhà đi bụi!” Cha mẹ em lúc đó có lẽ không ai nghĩ con mình dám làm như thế, bởi cãi nhau là chuyện của họ, con cái không muốn nghe thì đi chỗ khác! Lối nghĩ đó hiện cũng có ở rất nhiều phụ huynh. Họ đâu biết ngay từ khi biết nói, trẻ đã có thể cảm nhận mọi thứ xung quanh.
|
Ảnh minh họa. |
Nếu phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau, trong lòng trẻ sẽ chất chứa ấn tượng không tốt, lâu dần hình thành sự phản kháng, nhất là ở tuổi dậy thì, khi trẻ biết khẳng định cái tôi và đòi hỏi sự tôn trọng của người lớn. Đã có những trẻ học hành sa sút, bị trầm cảm… bởi không thoát ra được cảm xúc căng thẳng, buồn chán, sợ hãi thường xuyên khi chứng kiến cảnh bất hoà của cha mẹ.
Một diễn đàn trực tuyến mới đây, chỉ vài giờ sau khi một học sinh cấp ba đưa lên tâm sự “Sao ba má em cứ cãi nhau hoài về chuyện tiền nong khiến em không học bài được?”, đã nhận được hàng trăm hồi đáp chia sẻ, trong đó nhiều trẻ cũng tỏ bày đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có em còn đưa ra ý định lập thành nhóm “Những trẻ sắp phát điên vì cha mẹ cãi nhau”! Một nhóm nhà xã hội học ở đại học Cambridge (Anh) đã từng thực hiện nghiên cứu tâm lý với 238 trẻ 15 – 18 tuổi. Các em được đề nghị thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá khả năng xử lý những thông tin liên quan đến cảm xúc. Những trẻ có kết quả thấp nhất khi làm bài kiểm tra đều chung tình trạng thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau trong khoảng thời gian hơn sáu tháng và trước khi lên sáu tuổi.
Hành xử theo tình yêu thương con
Gia đình nào cũng có những lúc buồn vui, lục đục với muôn vàn lý do: toan tính cơm áo gạo tiền, căng thẳng trong công việc, áp lực thương trường… Tuy nhiên, giải quyết thế nào để không ảnh hưởng đến con cái là điều các bậc cha mẹ phải thật quan tâm. Nhiều người mặc dù con cái đề huề nhưng chỉ nghĩ đến bản thân, xung đột ngay trước mặt các con, còn cố ý bôi xấu “đối phương” để thoả mãn tự ái bản thân. Có người còn chọn hướng giải quyết xung đột một cách đầy sai lầm là kể con nghe mọi thói xấu của cha hoặc mẹ, với mong muốn con sẽ là “đồng minh” để chiến thắng người kia!
Cha mẹ phải làm gương cho con trẻ. Kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các bậc phụ huynh cũng phải có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng các thành viên trong nhà. Trẻ là thành viên trong gia đình nên cũng có nhu cầu được sống trong tổ ấm đúng nghĩa, không phải “trẻ con thì biết gì” như nhiều người lớn vẫn ngộ nhận. Mặt khác, cha mẹ cũng phải tự kiềm chế. Việc kìm nén cơn giận trước mặt các con phải được nghĩ đến đầu tiên khi có ý định “khẩu chiến”. Thay vì cãi nhau, các ông bố – bà mẹ nên tập cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng, ngăn chặn nguy cơ căng thẳng. Nếu có lỡ không kiềm chế được thì phải làm cho con cái hiểu rằng, cha mẹ cãi nhau nhưng vẫn yêu thương con. Tránh có hành động hung hãn, thô bạo trước mặt trẻ, bởi tất cả những hành động ấy sẽ ở lại trong đầu và bé sẽ học theo. Quan trọng hơn cả, sau những cuộc cãi vã, cha mẹ phải làm sao để con không cảm thấy cô đơn, mất chỗ dựa.
Sẽ không có công thức chung, chính tình yêu thương dành cho con cái mách bảo các bậc cha mẹ phải làm gì cho đúng.
Đến giờ vẫn bị ám ảnh (Nguyễn Hồ Mạnh Khang, sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Đến tận bây giờ, em vẫn bị ám ảnh bởi những lần cãi nhau của cha mẹ. Khi ấy, em cảm thấy như mình thật dư thừa và không khí gia đình đầm ấm thường ngày trở nên ngột ngạt.
Hồi nhỏ, mỗi lần như thế, em chỉ biết ngồi khóc thét để cha mẹ thấy vậy mà chạy lại ôm rồi mọi chuyện sẽ qua đi. Bây giờ lớn rồi, mỗi lúc cha mẹ to tiếng với nhau, việc đầu tiên là em sẽ im lặng để cha mẹ tự nhận ra ai đúng ai sai. Chỉ trong trường hợp mọi chuyện đi quá xa em mới lên tiếng, vì em biết dẫu thế nào đi nữa, với cha mẹ, những đứa con luôn là niềm yêu thương chung.
Ba mẹ nên tránh cãi nhau trước con cái (Mai Thu Quỳnh, sinh viên đại học Lao động – xã hội, TP.HCM)
Ba mẹ em rất ít khi cãi nhau nhưng không phải là không có. Lúc đó, em cảm thấy sợ hãi, hụt hẫng và chỉ biết khóc, im lặng ôm mẹ của em. Và cả ngày hôm đó em cảm thấy mất tất cả cảm xúc dù vẫn đi học, sinh hoạt bình thường. Em có một người bạn cùng lớp, ba mẹ hay cãi nhau nên bạn rất căng thẳng. Bạn hay lang thang ngoài đường, các hàng quán để tránh về nhà. Việc học của bạn xuống dốc khiến năm lớp 12 rất vất vả mới vượt qua được, suýt nữa bạn đã phải bỏ học. Tính tình bạn cũng hơi thất thường, dễ nóng giận vô cớ, dễ khóc. Một số bạn khác khi chứng kiến hình ảnh ấy, ít nhiều không còn tin tưởng vào gia đình, suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, cảm thấy chán nản hoặc “học” theo ba mẹ mà thích gây gổ, nóng nảy với người xung quanh. Em nghĩ khi ba mẹ cãi nhau nên tránh sự có mặt của con cái. |