Xe Mazda3, 6 và CX-5 có triệu hồi tại Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà phân phối và lắp ráp Thaco mới đây đã chính thức thông tin giải đáp câu hỏi, loạt xe Mazda3, 6 và CX-5 tại Việt Nam có phải triệu hồi như tại thị trường Mỹ mới đây hay không.

 
Tập đoàn Mazda mới đây thông báo sẽ triệu hồi hàng loạt xe Mazda tại Mỹ gồm 3 dòng xe là Mazda3, Mazda6 và CX-5 để cập nhật lại phần mềm liên quan đến động cơ. Điều này khiến nhiều khách hàng tại Việt Nam, đang sử dụng những dòng xe trên lo ngại và thắc mắc không biết chiếc xe của mình có nằm trong diện triệu hồi hay không. Để khách hàng yên tâm trong việc sử dụng xe, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã có thông tin chính thức.
Theo đó, tập đoàn Mazda khẳng định các mẫu xe được sản xuất tại nhà máy Thaco Mazda hoàn toàn không thuộc diện triệu hồi nói trên. Vì vậy, khách hàng sở hữu xe Mazda tại Việt Nam hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ do Thaco cung cấp.
Xe Mazda3, 6 va CX-5 co trieu hoi tai Viet Nam?
 Mazda khẳng định các mẫu xe được sản xuất tại nhà máy Thaco Mazda hoàn toàn không thuộc diện triệu hồi.
Liên quan đến việc triệu hồi này, tập đoàn Mazda đã ra thông báo triệu hồi xe Mazda tại Mỹ hơn 262.000 xe gồm các mẫu CX-5 đời 2018 và 2019, Mazda6 sedan đời 2019, và Mazda3 sedan và hatcback đời 2019 để cập nhật phần mềm nhằm tránh trường hợp động cơ có thể dừng hoạt động. Đây là đợt triệu hồi theo yêu cầu của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA). Xe chỉ cần được cập nhật phần mềm mà không phải can thiệp vào phần cứng, và hoàn toàn miễn phí. Tới thời điểm này tại thị trường Mỹ, chưa có bất cứ báo cáo nào về va chạm hoặc tai nạn liên quan tới lỗi phần mềm này.
Theo tập đoàn Mazda, nguyên nhân là do lỗi phần mềm kiểm soát van, là một phần của hệ thống ngắt xy lanh chủ động, khiến động cơ chạy không êm như bình thường, hoặc có thể chết máy khi xe đang chạy. Trong trường hợp này, đèn báo lỗi động cơ có thể sáng. Các mẫu xe trên đều sử dụng công nghệ ngắt xi-lanh chủ động. Cụ thể, phần mềm sẽ vô hiệu hóa 2 trong số 4 xi-lanh tùy lúc nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Khi 2 xi-lanh được kích hoạt trở lại, lỗi phần mềm có thể khiến một bộ phận của động cơ tiếp xúc với những bộ phận khác của động cơ dù không cần thiết. Điều này có thể khiến động cơ chạy giật cục hoặc thậm chí chết máy.
Thảo Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)