Xe "chồng xác", "mẹ bồng con" là gì?
Như VietNamNet đã đăng tải, sau khi bất ngờ tìm lại được xe Mazda3 bị đánh cắp vào năm 2017 và được toà án ra quyết định trả lại xe vào tháng 4/2023, anh Lê Minh Hoàng (SN 1986, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mang chiếc xe của mình đi làm thủ tục đăng ký lại.
Tuy nhiên, do chiếc Mazda3 của anh Hoàng đã bị cắt, hàn số khung số máy và thay thế bằng số khung số máy của một chiếc xe khác nên chủ xe này vẫn chưa được Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) tiếp nhận hồ sơ "khai sinh lại" cho chính chiếc xe của mình.
Trường hợp như chiếc Mazda3 nói trên được giới thạo xe gọi là "chồng xác".
|
Chiếc Mazda3 của anh Hoàng đã bị "chồng xác" với vết cắt hàn số khung xe khá rõ. (Ảnh NVCC)
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, "chồng xác" là chiêu trò sử dụng giấy tờ hợp pháp của một phương tiện (thường là xe bị tai nạn, cháy nổ không thể khôi phục được), rồi gắn sang một chiếc xe khác không có giấy tờ. Các xe "chồng xác" cho nhau thường phải cùng nhãn hiệu, chủng loại và năm sản xuất.
Các đối tượng sẽ thực hiện cắt, hàn hoặc đục lại số khung số máy của chiếc xe một cách rất tinh vi để "khớp nối" giữa xác xe và giấy tờ, sau đó làm thủ tục đăng ký lại.
Dù quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã "nói không" với việc cấp lại đăng ký xe với trường hợp số khung số máy bị cắt, hàn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không ít chiếc xe "chồng xác" vẫn qua được cửa đăng ký và lưu thông, mua bán bình thường.
Theo một số người am hiểm về xe cũ, thủ thuật "chồng xác" xe nói trên không phải là mới gặp mà đã xuất hiện từ cách đây cả chục năm. Chiêu trò này chủ yếu nhằm mục đích tẩu tán những xe có nguồn gốc bất minh như xe trộm cắp hoặc xe nhập khẩu trái phép vào Việt Nam,...
Để hợp thức hoá điều này, cần "điều kiện đủ" là phải tìm được những xác xe từng bị tai nạn hoặc cháy nổ không thể phục hồi được nhưng vẫn còn nguyên số khung số máy và giấy tờ xe.
Trở lại với thời điểm khi anh Lê Minh Hoàng phát hiện chiếc Mazda3 đã mất của mình đang bon bon trên đường, phương tiện này đã được đăng ký "danh phận" mới với BKS 30G-027.73. Lúc này, chiếc xe mang toàn bộ "phần xác" từ chiếc của anh từng bị đánh cắp BKS 30E-401.45, còn "phần hồn" tức là số khung số máy là của một chiếc Mazda3 đời 2016 khác BKS 30E-639.66 mang tên Nguyễn Trường Giang từng bị tai nạn nặng vào năm 2018.
Bên cạnh chiêu trò "chồng xác" nói trên, còn thuật ngữ khác được giới buôn xe không chính ngạch gọi là "mẹ bồng con". Theo đó, đây là thủ thuật gán 1 bộ giấy tờ cho nhiều xe khác nhau bằng cách đục, mài lại số khung, số máy rồi làm giả giấy tờ.
Nói cách khác, với cùng một biển số xe nhưng có thể có đến 2-3 chiếc xe cùng sở hữu với đầy đủ giấy tờ. Tất nhiên, nhiều nhất cũng chỉ có 1 xe là sở hữu giấy tờ thật. Thủ thuật này vốn khá phổ biến với những chiếc xe máy đắt tiền nhập lậu, làm giả giấy tờ để có thể lưu thông, mua bán.
Cả "chồng xác" và "mẹ bồng con" đều là nhưng chiêu trò được các đối tượng thực hiện một cách có tổ chức và rất tinh vi với rất nhiều mắt xích, nhằm tiêu thụ trót lọt những xe có nguồn gốc bất minh để trục lợi.
|
Được nhận lại xe từ Cục Thi hành án Dân sự TP. Hà Nội từ tháng 4/2023 đến nay nhưng chủ chiếc Mazda3 chẳng thể sử dụng bởi không làm thủ tục đăng ký lại được cho chiếc xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
|
Cần thiết phải có cơ chế liên thông dữ liệu xe bị tai nạn
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, kiểm tra số khung số máy là khâu bắt buộc thuộc bước thứ nhất (kiểm tra hồ sơ, dữ liệu) trong quy trình 5 bước kiểm định xe cơ giới theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Trong đó, đăng kiểm viên sẽ quan sát số khung số máy bằng mắt và đối chiếu xem có đúng với giấy đăng ký xe hay không. Với những xe có dấu hiệu cắt hàn, đục tẩy số khung số máy, cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối kiểm định.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2018 đến hết năm 2022 đã có 12.238 trường hợp phương tiện bị lỗi số khung; 9.503 phương tiện bị lỗi số máy bị các đơn vị đăng kiểm phát hiện và từ chối kiểm định. Những lỗi thường gặp là bị mờ, tẩy xoá, đục lại,... nhưng có rất ít trường hợp bị cắt hàn số khung số máy.
Về trường hợp cụ thể như chiếc Mazda3 đã bị hàn cắt số khung số máy vẫn qua được đăng kiểm, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, số khung số máy được hàn nguyên tấm thép với các dãy ký tự vẫn đúng số theo đăng ký xe. Việc xe bị hàn, cắt số khung số máy như chiếc Mazda3 nói trên là rất tinh vi và cực kỳ hy hữu.
"Các đối tượng sẽ nguỵ trang thêm bằng sơn phủ để khó phát hiện ra vết hàn. Với phương tiện mới đăng kiểm lần thứ 2 như chiếc Mazda3, thông thường tình trạng vẫn còn rất tốt, do vậy có thể có sự chủ quan nhất định trong việc quan sát khung và máy của đăng kiểm viên", ông An nói với PV VietNamNet.
|
Cần có cơ chế quản lý cũng như liên thông dữ liệu đối với các xe bị tai nạn, cháy nổ đến mức không thể khôi phục để tránh trở thành nguồn đầu vào tiêu thụ xe bất minh như chiếc Mazda3 bị "chồng xác" này. (Ảnh NVCC)
|
Cũng theo ông Nguyễn Tô An, hiện vẫn có kẽ hở trong việc quản lý các xe bị tai nạn, cháy nổ. Nếu không quản lý tốt, đây chính là nguồn đầu vào để các đối tượng thực hiện hợp thức hoá cho các xe có nguồn gốc bất minh.
"Tôi lấy ví dụ như một chiếc xe bị tai nạn đến mức không thể sử dụng được, hoặc xe bị cháy trơ khung xương nhưng số khung số máy là phần kim loại vẫn còn nguyên. Các đối tượng có thể mua lại xe với giá "đồng nát" nhưng lại sử dụng số khung số máy cùng giấy tờ xe này để 'chồng xác' cho một chiếc xe khác.
Theo tôi, những chiếc xe bị hư hỏng nặng xác định là không thể khôi phục cần phải được cơ quan quản lý thu hồi giấy đăng ký, biển số xe và đưa dữ liệu lên hệ thống để cảnh báo. Dữ liệu này có thể liên thông từ công an sang đăng kiểm để phục vụ công tác quản lý. Còn chủ xe buộc phải làm thủ tục để huỷ bỏ giấy tờ, nếu không sẽ không được đăng ký xe mới", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm nêu giải pháp.
Ngoài ra, ông An cũng đưa ra lời khuyên đối với những người chủ xe bị tai nạn, cháy nổ nặng là không nên bán "qua tay" giấy tờ xe cho các đối tượng thu mua bởi việc làm này có thể tiếp tay cho hành vi gian lận. Còn đối với người mua xe đã qua sử dụng không nên ham rẻ để mua những xe không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường,...
"Khi mua xe cũ, để yên tâm thì khách hàng có thể vào đúng hãng xe đề nghị để kiểm tra thông số như: số khung, số máy, mã số các túi khí và một số linh kiện khác xem có trùng khớp với nhau hay không? Nếu không trùng khớp, rất có thể chiếc xe đó đã bị "chồng xác", "mẹ bồng con" hoặc có vấn đề về giấy tờ", ông An đưa ra khuyến cáo.