Các quy định sửa đổi xử lý xe ngoại giao này được cho là sẽ góp phần bịt kẽ hở về hiện tượng gây nhức nhối trong dư luận về dòng xe đeo biển ngoại giao “tạm nhập mà quên tái xuất”.
Theo thông tư số 93 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2018, đối tượng nằm trong diện điều chỉnh gồm các trường hợp phải đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 10/2018 do Thủ tướng ban hành ngày 1/3/2018.
|
Bộ Ngoại giao chỉ cấp tiêu chuẩn tạm nhập tại sở định mức hàng miễn thuế khi người tiền nhiệm đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ôtô, xe gắn máy. |
Theo đó, để được tạm nhập khẩu miễn thuế ôtô và xe gắn máy vào Việt Nam, phải được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu tại sở định mức hàng miễn thuế theo quy định. Đối với trường hợp người kế nhiệm đề nghị tạm nhập khẩu xe ôtô, xe gắn máy, Bộ Ngoại giao chỉ cấp tiêu chuẩn tạm nhập tại sở định mức hàng miễn thuế khi người tiền nhiệm đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ôtô, xe gắn máy, chuyển nhượng theo đúng quy định, trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan.
Cụ thể, đối tượng sở hữu xe ngoại giao phải có thời gian công tác tại cơ quan đại diện này, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tối thiểu 18 tháng trở lên kể từ ngày được Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư. Có thời gian công tác tại Việt Nam tối thiểu 12 tháng trở lên. Thời gian công tác tại Việt Nam ghi trên chứng minh thư do Bộ ngoại giao cấp.
|
Quy định mới của Chính phủ đã mở rộng hơn đối tượng được mua xe ngoại giao hiện nay. |
Ngoài ra, quy định mới của Chính phủ đã mở rộng hơn đối tượng được mua xe ngoại giao. Theo đó, tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ôtô quá 5 năm thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khác hoặc các đối tượng khác tại Việt Nam với điều kiện xe được cơ quan đăng kiểm xác nhận còn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành.
Trước đây, các xe thuộc diện này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam mà chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng. Khi đối tượng này không có nhu cầu sử dụng xe hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy xe, không được phép chuyển nhượng xe tại Việt Nam. Cũng theo quy định mới, xe gắn máy của cơ quan ngoại giao hay viên chức ngoại giao không được phép chuyển nhượng, sang tên tại Việt Nam.
|
Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, để được tạm nhập ôtô, xe gắn máy tùy từng trường hợp cá nhân, tổ chức cần có hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập, gồm văn bản đề nghị do Bộ Ngoại giao cấp. |
Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, để được tạm nhập ôtô, xe gắn máy tùy từng trường hợp cá nhân, tổ chức cần có hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập, gồm văn bản đề nghị; chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp; giấy xác nhận của cơ quan đối tượng công tác tại Việt Nam về việc di chuyển tài sản hoặc chuyển nơi công tác từ nước ngoài vào Việt Nam; sổ định mức miễn thuế; giấy chứng minh quyền sở hữu xe; giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc giấy có giá trị pháp lý tương đương; giấy tờ cho biếu tặng từ nước ngoài hoặc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi; giấy tờ điều chuyển xe; văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) về việc Thủ tướng chính phủ đồng ý cho đói tượng được tạm nhập miễn thuế…
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ… thì được cấp giấy tạm nhập. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Cục Hải quan cần hướng dẫn đối tượng hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, cơ quan hải quan tiến hành cấp giấy tạm nhập khẩu xe…
Các thủ tục tương tự cũng được áp dụng đối với trường hợp tái xuất, chuyển nhượng ôtô xe máy thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.