Trong thông tin vừa được Văn phòng Chính phủ ngày 17/7vừa qua cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh hướng sửa đổi là "giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ưu tiên phát triển."
Tuy nhiên, ở một số dòng xe khác, kết luận của Thủ tướng yêu cầu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt "cao" và "đặc biệt cao" với xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3,0 lít, tiêu hao nhiều nhiên liệu.
|
Sẽ áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt "cao" và "đặc biệt cao" với xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3,0 lít. |
Những dòng xe nằm trong danh sách này cũng là loại có kích thước lớn, chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Đối với dự án có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và dự án sản xuất các cụm chi tiết quan trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có ưu đãi về mức thuế thu nhập doanh nghiệp hơn quy định hiện hành. Mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
|
Những dòng xe nằm trong danh sách này cũng là loại có kích thước lớn. |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu.
Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Ngoài ra, tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.