Hàng loạt ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam vừa bị phát hiện có phần mềm dẫn đường chứa bản đồ có "đường lưỡi bò" vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam khiến dư luận đặt ra câu hỏi, số lượng ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu chiếc, gồm những dòng nào? Liệu có “lọt” đường lưỡi bò phi pháp?
Nhập hơn 4.000 xe, 8 xe phát hiện “đường lưỡi bò” phi pháp
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9/2019, Việt Nam đã nhập hơn 4.000 chiếc xe ô tô các loại từ Trung Quốc, trị giá khoảng 162 triệu USD. Trong số khoảng 4.000 chiếc xe ấy, hiện nay cơ quan hải quan đã phát hiện có 8 chiếc có sử dụng bộ định vị có gắn bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.
Trong số xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, đa số là xe tải với giá trung bình khoảng 930 triệu đồng/chiếc; còn các loại xe dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam số lượng khiêm tốn và không được tiêu thụ nhiều, giá trung bình dưới 700 triệu đồng bao gồm nhiều mẫu xe đa dụng (SUV) và xe truyền thống sedan. Trong đó, các loại xe dưới 9 chỗ dù khá bắt mắt, giá rẻ, nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được khách hàng Việt.
|
Chiếc xe có bản đồ "đường lưỡi bò" đã bị tịch thu, sung công quỹ. |
Mới đây, hàng loạt xe nhập từ Trung Quốc có bản đồ chứa "đường lười bò" phi pháp bị phát hiện như xe Volkswagen Touareg, các mẫu xe du lịch Trung Quốc thương hiệu Zoyte và BAIC do Công ty Kylin-GX668 nhập khẩu hay mới đây là 7 chiếc ôtô loại 5 chỗ, hiệu Hanteng có xuất xứ Trung Quốc nhập vào Việt Nam bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) phát hiện niêm phong và chờ quyết định xử lý từ Tổng cục Hải quan.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - khẳng định phải tịch thu toàn bộ 7 ôtô Hanteng có xuất xứ Trung Quốc và sẽ bị xử lý tương tự như xe Volkswagen Touareg vừa triển lãm ở TP.HCM do đều có bản đồ định vị vệ tinh chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp, xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Liệu có “lọt” đường lưỡi bò phi pháp?
Liên quan sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tịch thu xe, xử phạt hành chính đối với các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh các loại xe ô tô chứa hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật và đây cũng là một trong những giải pháp để ngăn chặn việc xe ô tô gắn bản đồ “đường lưỡi bò” xuất xứ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Luật sư Cường nhìn nhận, sự việc Trung Quốc đơn phương công bố chủ quyền vùng biển bằng đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đa số các quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, việc đơn phương công bố chủ quyền đường chín đoạn này đã xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia khu vực đông nam châu Á, trong đó có Việt Nam.
Quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam là không thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông. Khẳng định chủ quyền vùng biển, hải đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối các luận điệu xuyên tạc, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia.
Bởi vậy, mọi hành vi tuyên truyền, phổ biến các ấn phẩm về đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc là vi phạm pháp luật Việt Nam, xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, hành vi này là đáng lên án và có thể áp dụng các chế tài của pháp luật để xử lý, có thể là chế tài hành chính hoặc xử lý hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của Luật xuất bản 2012 thì thiết bị định vị vệ tinh (GPS) có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường (Navigator) trên xe ô tô được xem là xuất bản phẩm điện tử.
Theo quy định tại Điều 10 Luật xuất bản thì pháp luật nghiêm cấm việc phát hành xuất bản sản phẩm có nội dung sau đây: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Theo khoản 1 và khoản 5 Điều 20 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 thì hành vi vi phạm về nội dung xuất bản phẩm: Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền cá nhân.
Hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Như vậy, dù là trưng bày hay nhập khẩu về kinh doanh, bày bán mà xe ô tô có sử dụng thiết bị định vị có bản đồ đường lưỡi bò là hành vi làm phương hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam, trái với truyền thống lịch sử của Việt Nam do đó việc xử phạt, tịch thu hàng hóa này là có căn cứ pháp luật.
Đồng thời cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp đã bị phát hiện chứa bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, lực lượng hải quan cần kiểm soát chặt chẽ ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những xe vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại toàn bộ những xe đã nhập khẩu để xử lý những xe đã “lọt” đường lưỡi bò phi pháp.
Video: Liên tục xuất hiện "đường lưỡi bò": Trách nhiệm thuộc về ai?