Trong quá trình tìm hiểu về mẫu xe ôtô Trung Quốc Zotye T600 đời 2017 được rao bán trên mạng với giá 500 triệu đồng, phóng viên phát hiện chức năng định vị trên xe sử dụng bản đồ Trung Quốc, ngôn ngữ màn hình cũng là tiếng Hoa. Chủ nhân chiếc xe chia sẻ rằng từ khi mua xe, anh chưa cập nhật hệ thống thông tin giải trí, và toàn bộ ngôn ngữ, giao diện, bản đồ vẫn là từ nguyên bản.
Đáng chú ý, bản đồ định vị trên chiếc xe nói trên xuất hiện "đường lưỡi bò" bao quát Biển Đông. Liên hệ với một người dùng Zotye Z8 tại TP.HCM để tìm hiểu. Tuy nhiên, chiếc xe này đã được chủ nhân nâng cấp hệ thống thông tin giải trí ngay khi mua về.
|
Bản đồ định vị trên mẫu Zotye T600 đời 2017 xuất hiện "đường lưỡi bò". Ảnh: Đình Phong. |
Giao diện màn hình giải trí chuyển sang tiếng Việt, hệ thống định vị của xe cũng được cập nhật sang Google Map, không có "đường lưỡi bò". Người này không rõ bản đồ nguyên bản trên xe có xuất hiện "đường lưỡi bò" hay không.
Để làm rõ bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò" có xuất hiện trên các mẫu xe Trung Quốc đang bán ở Việt Nam hay không, phóng viên đã tìm đến một đại lý phân phối ôtô Trung Quốc tại quận 8, TP.HCM.
Đại lý này phân phối 2 thương hiệu xe Zotye và BAIC của Trung Quốc. Trong vai khách hàng đến xem mẫu Zotye T600, phóng viên Zing.vn được nhân viên bán hàng tư vấn chọn mẫu Zotye Z8 nếu muốn mua xe có tầm giá dưới 800 triệu đồng, bởi mẫu T600 không còn được đại lý phân phối. Trong showroom trưng bày 3 chiếc Zotye Z8, còn lại là các mẫu xe của BAIC như Q7 hay BJ40.
|
Bản đồ chỉ đường đã cập nhật trên mẫu Zotye Z8, sử dụng bản đồ Google Map. Ảnh: Tuấn Khanh. |
Xem qua nội thất của chiếc Zotye Z8 bên trong showroom, chiếc xe vẫn có giao diện vẫn là tiếng Trung Quốc. Khi mở phần bản đồ định vị, phóng viên nhận thấy xe không có bản đồ Việt Nam, chỉ có bản đồ Trung Quốc và "đường lưỡi bò" giống chiếc T600 đã tiếp xúc trước đó.
Ngoại trừ địa phận Trung Quốc và vùng Biển Đông, các vị trí khác đều không có thông tin trên bản đồ này. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được đổi tên thành quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Các nét đứt đoạn hình lưỡi bò bao quát cả Biển Đông.
Vị trí thực tế của chiếc xe cũng không hiển thị trên bản đồ. Khi cố gắng tìm vị trí của xe, bản đồ tự động định vị tại vị trí Vĩnh Khang, Chiết Giang, Trung Quốc - trụ sở chính của Zotye. Bên cạnh đó, phản xạ cảm ứng trên mẫu xe này cũng không mượt mà.
|
Bản đồ có "đường lưỡi bò" trên mẫu Zotye Z8 trưng bày tại đại lý. Ảnh: Tuấn Khanh. |
Nhân viên bán hàng giải thích, đây là mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Chính vì thế mà toàn bộ hệ thống giải trí, giao diện màn hình và cả bản đồ đều giống với chiếc xe được bán tại nội địa. Nếu muốn giao diện tiếng Việt, người dùng có thể yêu cầu đại lý nâng cấp.
Với giá bán 745 triệu đồng, Zotye Z8 thu hút một bộ phận khách hàng chuộng hình thức, thích công nghệ và sẵn sàng bỏ qua yếu tố “hàng Trung Quốc”.
Zotye Auto là một hãng xe tư nhân được thành lập vào năm 2005, thuộc sở hữu của Zotye Holding Group. Hãng xe này có trụ sở tại Vĩnh Khang, Chiết Giang, Trung Quốc. Các mẫu xe của Zotye được mang đến Việt Nam vào khoảng đầu năm 2018 và đã gây ra một “cơn sốt” trên các diễn đàn, hội nhóm xe.
|
Zotye Z8 là mẫu xe Trung Quốc khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Duy Nguyen.
|
Trong đó mẫu Zotye Z8 được nhiều người biết đến do có nhiều chi tiết “vay mượn” từ các mẫu xe hạng sang như Range Rover, Maserati, Jaguar. Nhiều chủ xe cũng đã gỡ bỏ logo của Zotye để thay thế bằng logo của các thương hiệu xe sang.
"Đường lưỡi bò" không chỉ xuất hiện trên các mẫu ôtô Trung Quốc nhập về Việt Nam. Gần đây, dư luận dậy sóng về chuyện bộ phim hoạt hình Abominable (tên phát hành tại Việt Nam: Everest: Người tuyết bé nhỏ) bị dừng chiếu sau khi khán giả phát hiện cảnh phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông.
Hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện rất tinh vi ở nhiều phương diện. Ngày 18/10, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt 50 triệu đồng đối với Saigontourist vì phát ấn phẩm có "đường lưỡi bò" cho khách.
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.