|
Tránh xa chiếc xe tối thiểu từ 30 đến 45 m để sức nóng và khói độc hại không gây ảnh hưởng. |
Cách ứng phó khi xe có dấu hiệu bị cháy
Trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất. Trạng thái hoảng loạn sẽ khiến tài xế và những người trên ô tô không thể phản ứng nhanh và mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Nếu trẻ em và hành khách trên xe hoảng loạn, người lái cần trấn an, kêu gọi sự bình tĩnh, đảm bảo họ biết phải làm gì để ra khỏi xe ô tô bị cháy nhanh chóng.
Phải dừng xe khẩn cấp, nếu đang di chuyển trên cao tốc, hãy bật đèn ưu tiên và tấp vào làn khẩn cấp (chú ý xe đang đi gần). Lái xe cũng có thể tấp xe vào vỉa hè, khu vực dừng của xe buýt nếu đang đi trên phố. Người lái cũng cần bình tĩnh, không nên chuyển làn đột ngột (sẽ rất nguy hiểm nếu chuyển làn ở tốc độ cao). Nên đảm bảo không có chiếc xe hay vật cản nào khác chặn ngay cửa xe, bởi đây là lối thoát hiểm nhanh nhất khi có hỏa hoạn xảy ra.
Tắt máy ngay khi dừng xe là bước tiếp theo nên làm. Nếu ngọn lửa bùng lên do ống nhiên liệu hỏng thì việc tắt động cơ sẽ ngăn chặn dòng nhiên liệu chảy, thậm chí có thể ngăn chặn được đám cháy lan rộng. Trả về số P và gài phanh tay.
Người lái và hành khách nên ra khỏi xe nhanh chóng, không cố gắng mang theo hành lý hay đồ vật cồng kềnh. Nếu trên xe có người già, người tàn tật hoặc trẻ em, hãy giúp họ ra trước. Sau khi đã ra ngoài, mọi người cũng nên đóng tất cả cửa xe, điều này cũng hạn chế được đám cháy bùng lên nhanh.
Tránh xa chiếc xe tối thiểu từ 30 đến 45 m để sức nóng và khói độc hại không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngoài ra, nhiệt độ nóng có thể khiến lốp xe phát nổ, nếu ở quá gần xe sẽ rất nguy hiểm. Hãy đặt an toàn lên hàng đầu, ngăn mọi người quay trở lại xe đang cháy để lấy hành lý. Hãy nhớ rằng tài sản có thể mua lại được nhưng tính mạng thì không.
Sau đó gọi cho lực lượng chữa cháy, trong lúc đó, nên đặt cảnh báo các xe xung quanh và người đi đường để họ tránh xa khu vực nguy hiểm.
Xe bị cháy, có thể dập tắt?
Lái xe có thể tự chữa cháy chiếc xe của mình chỉ khi đáp ứng được các điều kiện sau: bạn có bình chữa cháy phù hợp, khóa của bình chữa cháy vẫn hoạt động tốt và hơn hết là biết cách sử dụng bình chữa cháy. Chỉ nên cố gắng chữa cháy khi ngọn lửa còn nhỏ và cách xa bình nhiên liệu.
Nên đeo khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc khi chữa cháy để tránh hít phải khí độc. Việc dập lửa cần được thực hiện một cách thận trọng. Nếu đáp ứng được những điều kiện trên, có thể tự cứu được chiếc xe. Nhưng nếu đám cháy nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc có khói đen, có mùi lạ hoặc không cảm thấy tự tin, thì đừng cố gắng tự dập lửa.
Nhiều người cho rằng nên mở nắp capo nếu lửa xuất phát từ đây, tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm. Nếu lửa bùng lên từ khoang động cơ, tuyệt đối không được mở nắp capo (nhiệt độ rất cao trong khoang động cơ có thể gây bỏng).
Khi ô tô gặp hỏa hoạn, ngọn lửa có thể làm đứt các dây điện bên trong, kể cả dây điện mở capo. Ngoài ra, cũng không nên dùng tay để mở lẫy nắp capo do nhiệt độ nóng có thể bị bỏng. Bên cạnh đó, người dùng nên tự trang bị thêm bình chữa cháy loại 4 kg hoặc 8 kg, đề phòng những trường hợp xấu nhất thì lái xe có thể cứu được những người xung quanh một cách tối ưu nhất.