Đánh răng và ngậm nước súc miệng
Một số bác tài cho rằng, sau khi nhậu xong thì chỉ cần đánh răng thật kỹ và ngậm nước súc miệng là có thể giảm thiểu được nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm, bởi lượng cồn bị loại bỏ sau khi đánh răng rất ít.
Trên thực tế, nồng độ cồn xuất phát từ phổi, chứ không phải ở khoang miệng; do đó, phương pháp đánh răng là không hiệu quả. Thậm chí, một số loại kem đánh răng còn chứa cồn, có thể gây tác dụng ngược lại.
Nín thở hoặc thở mạnh trước khi thổi
Theo nghiên cứu của trường Đại học Linkoping (Thụy Điển), nếu bạn vận động cường độ mạnh hoặc thở gấp khoảng 20 giây trước khi kiểm tra nồng độ cồn thì có thể làm giảm chỉ số đo được khoảng 10%. Vậy nhưng, phương pháp hao tổn nhiều sức lực này có thể khiến bạn bị chóng mặt do thiếu ôxy, đồng thời, không thể có đủ hơi để thổi vào máy đo.
Nhai kẹo cao su hoặc xịt nước thơm miệng
Phương pháp này có thể che giấu được mùi rượu, bia trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, kẹo cao su có thơm mát sẽ làm tăng hiệu quả khử mùi, đồng thời kích thích tiết ra nước bọt giúp pha loãng axit dạ dày, vi khuẩn và các hạt gây mùi trong miệng.
Lưu ý, kẹo cao su và nước xịt miệng không thể thay đổi được lượng cồn trong hơi thở đẩy lên từ phổi. Đây chỉ là giải pháp tạm thời làm mất đi mùi rượu và mùi cồn khi bạn giao tiếp với người khác.
Thổi nhẹ vào máy đo hoặc hít ngược vào phổi
Một số bác tài chia sẻ, nếu thổi nhẹ vào máy đo hoặc hít ngược vào phổi thì sẽ tránh bị phát hiện nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, cách làm này không thể qua mắt được cảnh sát giao thông bởi máy đo nồng độ cồn được trang bị cảm biến áp suất, do đó có thể phát hiện chuyển động của luồng khí.
Hơn nữa, khi không có đủ luồng hơi thở, máy sẽ không thông báo kết quả. Vì vậy, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục yêu cầu tài xế thổi lại. Trường hợp bạn liên tục không chấp hành làm theo hướng dẫn của cảnh sát, việc lập biên bản áp dụng mức cao nhất đối với hành vi vi phạm là điều đương nhiên.
Hút thuốc lá để giảm nồng độ cồn
Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm bởi thuốc lá khi đốt sẽ sinh ra khí acetal dehyde, đây là chất mà máy đo xác định nồng độ rượu trong máu. Chính vì vậy, các bác tài tuyệt đối không sử dụng biện pháp này.
Bên cạnh đó, việc hút thuốc không chỉ gây tổn hại cho sức khoẻ, mà còn khiến nồng độ cồn trong hơi thở càng thêm gia tăng.
Ngậm đồng xu bạc
Các bác tài còn truyền tai nhau rằng, ngậm đồng xu trong miệng sẽ giúp khử được mùi rượu, bia bởi thành phần bạc có khả năng vô hiệu hóa lượng cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, nồng độ rượu nằm sâu trong phổi không thể bị biến mất đơn giản như vậy.
Uống mắm tôm
Theo chia sẻ của vài cá nhân trên mạng xã hội, uống 1-2 cốc mắm tôm là có thể phá được mùi rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, hiệu quả thì chưa được chứng minh, nhưng việc rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy,… ảnh hưởng đến sức khoẻ là điều thấy rõ.
Đặc biệt, mắm tôm có mùi rất khó chịu nên không phải lúc nào các bác tài cũng có thể mang theo bên người. Cách khử mùi cồn hiệu quả nhất đó chính là nói không với rượu, bia khi lái xe.