Hiện nay, trên thị trường xe máy, xe môtô thế giới đang rộ lên các trang bị an toàn rất thực dụng dành cho người điều khiển xe. Trong đó, hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp, chống trượt cho bánh xe như phanh ABS và CBS đang nổi lên như một trang bị không thể thiếu trên mô tô, xe máy.
Tuy nhiên không phải ai cũng thực sự hiểu vai trò và cách hoạt động của các loại phanh an toàn này. Vậy, phanh ABS và CBS là gì?
Phanh ABS và CBS là gì? Phanh ABS khác gì CBS?
|
Hệ thống phanh cực kỳ quan trọng trên các phương tiện giao thông |
Đầu tiên, chúng ta sẽ đi tìm hiểu khái niệm của hai loại phanh ABS và CBS trên xe máy:
- Phanh ABS: ABS là tên viết tắt của tổ hợp Anti-locked Brake System, là hệ thống chống bó cứng phanh.
- Phanh CBS: CBS là từ viết tắt của cụm Combi Brake System, là hệ thống phanh kết hợp.
Phanh ABS
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS được thiết kế giúp việc phanh gấp xe máy sẽ không bị trượt bánh mất kiểm soát khi phanh gấp. Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc khi bóp phanh gấp thì hệ thống phanh sẽ được nhấp nhả liên tục, điều này sẽ giúp bánh xe không bị trượt trên đường khiến xe bị mất kiểm soát, mất lái khi người điều khiển bóp "cứng" phanh.
Hệ thống phanh ABS ôtô cũng như xe máy bao gồm 4 bộ phận chính:
- Bộ điều khiển
- Cảm biến
- Bơm
- Van điều áp.
Trên xe máy, môtô hiện đại thì ABS được chia ra làm 2 loại bao gồm ABS 1 kênh và ABS 2 kênh. Trong đó, ABS 1 kênh thường có duy nhất 1 cảm biến được lắp lên bánh trước của xe máy vì đĩa trước có lực phanh lớn hơn và thường được sử dụng khi phanh gấp, dễ bị trượt. Hiện đại và đắt tiền hơn là ABS 2 kênh được đặt ở cả bánh trước và bánh sau của xe.
|
Tác dụng của phanh CBS trên xe máy làm giảm quãng đường phanh |
Phanh CBS
Vậy còn phanh CBS là phanh gì? Hệ thống phanh kết hợp CBS đúng với cái tên của nó, hệ thống này giúp người điều khiển chỉ cần sử dụng duy nhất một tay phanh cũng có thể tác động đến cả phanh trước và sau. Điều này giúp giảm quãng đường phanh và cũng tăng độ an toàn khi bóp phanh nhưng vẫn chưa thực sự an toàn vì vẫn có khả năng cao gây trượt bánh mất kiểm soát.
Hệ thống CBS này có cấu tạo rất gọn nhẹ và đơn giản với một bộ điều chỉnh áp để phân bổ lực đến 2 phanh ở bánh trước và bánh sau qua phanh dầu. Hiện tại, phanh CBS đang xuất hiện trên nhiều mẫu xe giá tốt như Honda Lead, Honda Vision hay phiên bản giá thấp của một số xe tay ga cao cấp như Honda SH.
Ưu nhược điểm của phanh ABS và CBS
Tất nhiên, mọi thứ đều có 2 mặt, vậy nên cả phanh ABS lẫn CBS đều có ưu nhược điểm riêng. Với phanh chống bó cứng ABS được đánh giá là an toàn hơn, bởi nó hỗ trợ người lái trong những tình huống bất ngờ, đặc biệt với những tay lái yếu như chị em phụ nữ, người lớn tuổi thường hay giật mình bóp chết tay phanh.
|
Hệ thống đơn giản trên phanh CBS |
Thế nhưng, phanh ABS về cơ bản sẽ không giảm được quãng đường phanh và trong nhiều trường hợp còn làm tăng quãng đường để xe có thể dừng lại hẳn. Thêm nữa, hệ thống phanh này có giá thành khá cao trên thị trường và cũng khiến cho giá thành của xe có ABS đắt hơn so với CBS, đồng nghĩa với việc khi hỏng hóc và cần sửa chữa, thay thế thì ABS sẽ đắt hơn nhiều. Ví dụ điển hỉnh là giá xe Honda SH125i 2020 phiên bản ABS đắt hơn 8 triệu đồng so với phiên bản CBS.
Ngược lại, hệ thống CBS có giá thành rẻ hơn, vận hành đơn giản và dễ sử dụng, đồng thời vẫn đủ an toàn nếu như tay lái có đủ kinh nghiệm và sự bình tĩnh để xử lý tình huống bất ngờ. Nhược điểm của phanh CBS là không thể tắt được, không cho người lái sự chủ động ở lực phanh trước và sau cũng như không chống trượt cho bánh xe khi phanh gấp.
Phanh ABS giá bao nhiêu?
Phanh ABS dù đã được các nhà sản xuất xe trên toàn thế giới phổ cập cho các dòng xe sử dụng phanh đĩa của mình, thế nhưng vẫn có nhiều phiên bản không có ABS được bán ra tùy theo nhu cầu của người mua. Sau khi thấy được tầm quan trọng và sự an toàn của phanh ABS thì nhiều người đã tìm đến việc độ ABS ngoài. Ở các dòng xe máy trên thị trường có sử dụng phanh ABS, thì so với phiên bản thường, thì phiên bản sử dụng phanh ABS thường đắt hơn từ 8 đến 20 triệu đồng. Sự chênh lệch trên chính là giá bán cho bộ phanh ABS trên xe máy.
|
Xe mô tô hiện đại còn sở hữu hệ thống phanh ABS trong cua |
Tuy nhiên, khi thực hiện độ phanh ABS cho xe máy thì mức giá sẽ dao động từ 12 đến 25 triệu đồng tùy hãng và tùy loại phanh với độ bền khác nhau. Vì thế, nếu muốn độ ABS cho xe của mình thì các bạn nên lựa chọn những địa chỉ uy tín.