Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống làm về đồ gỗ mỹ nghệ thủ công tại Từ Sơn (Bắc Ninh), hơn 10 tuổi, anh Trương Văn Đạo (SN 1991) đã được tiếp cận các công cụ sản xuất đồ gỗ. Lớn lên, anh tiếp tục làm việc và gắn bó với nghề điêu khắc gỗ được khoảng 10 năm rồi rẽ hướng sang làm “siêu xe” bằng gỗ sau một lần đưa con trai ra công viên chơi.
Loạt "siêu xe" bằng gỗ do 9x Bắc Ninh chế tạo. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
“Rất tình cờ trong một lần cùng con ra công viên chơi thì con mình rất thích những chiếc ô tô điện nhỏ nhỏ. Khi đó, mình mới nghĩ rằng, tại sao mình không thử làm những chiếc ô tô điện như thế bằng gỗ để cho con chơi?”, anh Đạo kể.
Nghĩ là làm, anh Đạo về nhà bắt đầu nghiên cứu các mô hình “siêu xe”, lên ý tưởng, làm bản vẽ rồi cùng những thợ mộc trong xưởng nhà anh bắt tay vào làm từng bộ phận. Trong quá trình làm, anh đều quay lại từng bước rồi đăng tải lên kênh YouTube của mình để mọi người cùng xem.
Từ sở thích ô tô của con trai, anh Đạo đã chế tạo ra hàng loạt chiếc "siêu xe" độc nhất vô nhị. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Bắt tay vào làm chiếc “siêu xe” Bugatti Centidieci, anh Đạo đã sử dụng một khối gỗ sồi Nga, nặng khoảng 800kg với giá 10 triệu đồng để “đục đẽo”.
“Để hiện thực hoá chiếc xe triệu đô chỉ thấy trên phim ảnh thật sự rất khó khăn. Tôi phải mất nhiều ngày tìm hiểu từng chi tiết như vô lăng, bánh xe, cửa xe. Tiếp đó, phần khung xe được tôi cắt bằng máy, còn lại những chi tiết nhỏ khác được làm hoàn toàn thủ công bằng 35 loại đục lớn nhỏ khác nhau”, anh Đạo cho biết.
Chi phí hoàn thiện mỗi chiếc xe lên tới hàng trăm triệu đồng. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Sau 40 ngày, chiếc siêu xe dài 2,5 mét, rộng 1,2 mét được chế tác tỉ mỉ giống hệt phiên bản gốc ra đời. Xe có 2 ghế ngồi trước, kính chắn gió; đuôi xe có thanh cân bằng và hệ thống mô phỏng ống xả; mui xe được loại bỏ để thiết kế chỗ cho con trai có thể ngồi và điều khiển. Xe chạy bằng động cơ điện 24V tạo ra từ 2 ắc quy nối tiếp nhau vận hành xe và có thể chịu được tải trọng 600kg.
Vật liệu chế tạo siêu xe của anh Đạo đa phần là gỗ. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
“Lúc đầu bắt tay vào làm “siêu xe”, vợ tôi không đồng tình vì cho rằng tôi đang lãng phí thời gian vào việc không đâu và nghĩ rằng tôi không thể thành công được. Tuy nhiên, sau khi chiếc xe ra đời, thấy được sự hào hứng của con trai cũng như thành quả từ kênh YouTube mang lại thì cô ấy từ phản đối chuyển sang ủng hộ nhiệt tình”, anh Đạo cho hay.
Từ việc chế tạo thành công chiếc xe đầu tiên và được mọi người ủng hộ, anh Đạo tiếp tục cho ra đời những sản phẩm “độc nhất vô nhị” tiếp theo với chi phí mỗi chiếc từ 200-250 triệu đồng.
Khởi nguồn từ sự thích thú của con trai đối với xe ô tô đồ chơi ở công viên, anh Đạo đã chế tạo ra hàng loạt "siêu xe" bằng gỗ. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
“Vật liệu để chế tạo “siêu xe” của tôi đa phần là gỗ; phần khung gầm làm bằng sắt thép; xích, thụt, vòng bi, trục, bánh răng, động cơ thì mình sẽ tận dụng mua lại của cửa hàng đồ cũ. Mỗi chiếc xe mất từ 2-3 tháng để hoàn thành và mất chi phí khoảng 200 triệu đồng, riêng chiếc xe tăng gỗ thì làm hết tổng chi phí là 250 triệu đồng”, anh Đạo chia sẻ.
Nói về chiếc xe tăng bằng gỗ, anh Đạo cho biết, anh bắt đầu lên kế hoạch làm từ tháng 6/2021 và hoàn thành trong vòng 3 tháng.
Chiếc xe tăng bằng gỗ được anh chế tạo từ chiếc xe 16 chỗ cũ. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Khi bắt tay vào làm, anh Đạo đã mất 1,5 tháng lên ý tưởng, tìm xe cũ, nguyên vật liệu và hoàn thành khung gầm xe tăng, các bánh xe và bộ máy. Sau đó, anh mất thêm 3 tuần nữa để ghép phần thân xe, 3 tuần tiếp theo để xây dựng tháp pháo, nòng súng và hoàn thiện các chi tiết còn lại.
Từ chiếc xe 16 chỗ cũ mua lại với giá 20 triệu đồng, anh Đạo và các cộng sự đã cắt bỏ một số chi tiết thừa và sắp xếp lại vị trí của các bộ phận như vô lăng, hộp số và toàn bộ phần điều khiển. Đây là công đoạn khó khăn nhất.
Chi phí hoàn thiện chiếc xe này lên tới 250 triệu đồng. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Tiếp đó, anh phải tự mày mò để làm thế nào cho 4 bánh phụ có thể hoạt động được mà không gặp sự cố. Để có thể lái, anh phải chuyển bộ lái ở đầu xe cùng hộp số và phanh ra vị trí chính giữa.
Sau 3 tháng, chiếc xe tăng chạy bằng xăng được chế tạo thành công khiến hai bố con anh Đạo rất thích thú, thi thoảng lại dùng để chạy quanh nhà với vận tốc từ 15-25 km/h.
Từ chỗ phản đối, vợ anh đã dần ủng hộ anh hết mình trong việc chế tạo "siêu xe". (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Ngoài “siêu xe” Bugatti Centodieci, xe tăng gỗ, anh Đạo còn chế tạo thành công hàng loạt sản phẩm “siêu xe” bằng gỗ như BMW 328 Hommage, Lamborghini Sian, Rolls Royce Boat Tail… Những sản phẩm này của anh đã thu hút được sự quan tâm rất lớn trên cộng đồng.
Chiếc xe này đặc biệt đã được xuất hiện trên đài truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Đặc biệt, chiếc xe Roll Royce Boat Tail bằng gỗ của anh đã được xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Video anh quay lại quá trình làm chiếc xe này cũng nhận được hơn 75 triệu lượt xem trên kênh YouTube.
Vừa tạo ra những chiếc xe đồ chơi "độc nhất vô nhị" cho con trai, anh Đạo vừa thu hút được gần 1,3 triệu người theo dõi trên kênh YouTube của mình. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
“Để chế tạo ra những chiếc “siêu xe” này, mình phải đánh đổi một vài thứ. Đầu tiên là tiền bạc vì chi phí làm một chiếc xe khá lớn, mất khoảng 200 triệu đồng. Thứ hai là thời gian, mình phải từ bỏ thói quen đi cà phê, tụ tập với bạn bè cũng như tranh thủ lúc con ngủ để toàn tâm toàn ý chế tạo”, anh Đạo chia sẻ.
Sắp tới anh có dự định sẽ bán bớt một số "siêu xe" để có thêm kinh phí triển khai các dự án tiếp theo. (Ảnh: ND-Woodworking Art).
Theo anh Đạo, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hỏi mua những chiếc “siêu xe” bằng gỗ do anh chế tạo nhưng anh chưa bán vì nhiều lí do. Tuy nhiên, nếu cá nhân ở Việt Nam muốn mua với mục đích trưng bày hoặc cho con chơi thì anh sẽ cân nhắc bán đi để lấy kinh phí chế tạo những sản phẩm mới.