Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất (UAE) đã ngấm ngầm tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
|
Mối quan hệ thân thiện Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ chính là “cái gai trong mắt” ban lãnh đạo UAE. Ảnh: GeoPol Intelligence |
Các bức thư điện tử của Đại sứ UAE tại Washington, Yousef al Otaiba, cho thấy UAE có thể đã đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc đảo chính thất bại năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ, lớn hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.
Số bức thư điện tử nói trên cho thấy Đại sứ Otaiba đã tiếp xúc gần gũi với các quan chức cấp cao của Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD), một cơ quan nghiên cứu ở Mỹ được doanh nhân người Do Thái Sheldon Adelson tài trợ. Một cuộc trao đổi giữa đại sứ UAE với ông John Hannah, một cố vấn cấp cao của FDD, đã cung cấp những thông tin chi tiết về mối quan hệ của Abu Dhabi với các nhân vật tiến hành đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một email gửi cho Đại sứ Otaiba bị tiết lộ, ông Hannah - cựu cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney - đã chỉ rõ cả UAE lẫn FDD đều chịu trách nhiệm về vụ đảo chính quân sự ngày 15/7/2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng ông ta "vinh dự đồng hành với UAE ".
Ngoài ra, trong một bài báo đăng trên Middle East Eye (Con mắt Trung Đông) hồi tháng 7/2016, nhà báo người Anh David Hearst viết UAE đã dành một khoản tiền đáng kể để đảm bảo cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành công. Nhà báo David Hearst tố cáo buộc ông Mohammed Dahlan, đại diện cho chính phủ UAE, đã chuyển tiền cho Phong trào Gullen.
Tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng nói với báo chí rằng một quốc gia Hồi giáo đã chi 3 tỷ USD để lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan.
Động cơ của UAE trong việc hậu thuẫn đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Có một số lý do đằng sau việc UAE muốn lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan.
Thứ nhất, UAE không hài lòng với cách tiếp cận của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với các cuộc nổi dậy trong “mùa xuân Arập”. Khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra ở một số nước Trung Đông, Ankara đã bày tỏ tình đoàn kết với các lực lượng ủng hộ dân chủ và công khai ủng hộ việc thay thế các chế độ độc tài bằng các chính phủ dân cử. Vốn cho rằng thông điệp ủng hộ dân chủ của Ankara gây bất lợi cho lợi ích riêng của UAE, Abu Dhabi đã tiến hành các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Một yếu tố quan trọng đằng sau sự hỗ trợ của AUE dành cho các nhân vật lên kế hoạch đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là sự hỗ trợ của Ankara dành cho tổ chức “Anh em Hồi giáo” đang phát triển ở Ai Cập và trong thế giới Hồi giáo.
Giới tinh hoa chính trị ở Abu Dhabi đã theo đuổi chính sách cứng rắn chống tổ chức “Anh em Hồi giáo” . Trong năm 2013, UAE ủng hộ cuộc đảo chính quân sự của Tướng Sisi, lập đổ Tổng thống Morsi của tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập. Sau đó, UAE đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo cách tương tự.
Thái độ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với Iran và Libya là một lý do khác khiến UAE hỗ trợ cuộc đảo chính quân sự năm ngoái.
Tại Libya, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc thành lập một chính phủ dân chủ, trong khi UAE ủng hộ chính phủ quân sự của tướng Khalifa Haftar. Đồng thời, Abu Dhabi tỏ ra rất bức xúc trước mối quan hệ khá thân thiện giữa Ankara và Tehran, vào thời điểm UAE muốn cô lập Iran.
Quan hệ kinh tế, quân sự và chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với Qatar là một lý do khác đằng sau thái độ thù địch của UAE đối với Ankara. Mối quan hệ hợp tác tăng cường giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã khiến cho một số quốc gia vùng Vịnh – trong đó có Ả-rập Xê- út và UAE – cảm thấy bất an, bởi vì các nước này không muốn Ankara có ảnh hưởng hơn trong khu vực vùng Vịnh. Việc Abu Dhabi và Riyadh kêu gọi đóng cửa ngay lập tức căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar là một bằng chứng rõ ràng.
Cuối cùng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm ảnh hưởng mới ở khu vực Trung Đông đã thúc đẩy UAE hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới để cô lập Ankara. UAE đã lôi kéo Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Đức, Israel, Mỹ và các quốc gia khác tham gia nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.
Trớ trêu thay, sự ủng hộ của các nước nói trên dành cho các nhân vật tiến hành đảo chính quân sự bắt thành ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ khiến cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh hơn, độc đoán hơn mà còn dẫn đến việc Ankara xem xét lại chính sách đối với các nước này.