Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phải xây dựng một đường băng thứ ba trong quần đảo Trường Sa để đáp ứng mục tiêu chiến lược lâu dài là thành lập lực lượng Hải quân đại dương thật sự.
|
Trung Quốc xây tường, hút cát đắp nền móng cho đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn.
|
Nhận xét của các chuyên gia quân sự Trung Quốc được đưa ra, sau khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ nói hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 8/9/2015 cho thấy Trung Quốc đang tiến hành công việc chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ ba trên
Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đá Vành Khăn là một trong bảy “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đã tạo ra trong quần đảo Trường Sa thời gian qua.
Ông Greg poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, cho biết những hình ảnh mới nhất cho thấy một bức tường chắn xung quanh một khu vực dài 3.000 mét trên bãi đá ngầm Đá Vành Khăn, giống hệt các công việc tương tự mà Trung Quốc đã làm trên hai rạn san hô trong quần đảo Trường Sa là Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi.
|
Trung Quốc đã đắp xong nền móng và bắt đầu xây dựng đường băng thứ hai dài 3.000 mét trên Đá Xu Bi.
|
Một quan chức hải quân Trung Quốc về hưu, yêu cầu giấu tên, cho biết
ba đường băng (trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn) sẽ giúp hải quân để phá vỡ thế kìm kẹp mà quân đội Mỹ duy trì ở Biển Đông, với sự giúp đỡ của các đồng minh trong khu vực như Philippines và Australia.
Quan chức hải quân về hưu này nói: "Nếu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) muốn giành ưu thế hải quân trên Biển Đông (trong trường hợp xảy ra chiến tranh), thì Hải quân Trung Quốc phải kiểm soát được không phận trên quần đảo Trường Sa, cửa ngõ duy nhất để thâm nhập Tây Thái Bình Dương”.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gần như hoàn tất việc xây dựng đường băng thứ nhất trên Đá Chữ Thập.
|
Ngày 28/6/2015, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần như xây dựng xong một đường băng dài 3.000 mét trên “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập.
Quan chức hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu nói trên cho biết ba đường băng ở quần đảo Trường Sa sẽ hỗ trợ toàn diện cho căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam.
Các chuyên gia an ninh cho rằng đường băng 3.000 m là đủ dài để cho hầu như tất cả các loại máy bay quân sự và dân sự của Trung Quốc cất hạ cánh và giúp Bắc Kinh thọc sâu vào trái tim của hàng hải Đông Nam Á (Biển Đông).
Chuyên gia hải quân Ni Lexiong ở Thượng Hải cho biết ba đường băng sẽ cho phép quân đội của Trung Quốc triển khai sức mạnh khắp Biển Đông và chính thức tiến vào các vùng biển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tin tức về việc Trung Quốc xây dựng đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn xuất hiện trước chuyến thăm Washington tuần tới của Chủ tịch Tập Cận Bình. Quan ngại của Mỹ về hành động khẳng định chủ quyền lãnh thổ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông dự kiến sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chuyến thăm cấp cao này.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận cụ thể về đánh giá của CSIS, nhưng tái khẳng định rằng Washington yêu cầu các bên đình chỉ các hành động hút cát đắp đảo, phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông.