Vì sao Thị trưởng Duterte đắc cử Tổng thống Philippines?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Thị trưởng Duterte chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines là thất bại của thể chế hiện hành và gây chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Philippines.

Chính trường Philippines chứa nhiều bí ẩn. Chưa đầy hai tháng trước, hàng trăm ngàn người Philippines đã tập trung tại Đại lộ Epifanio de los Santos Avenue kỷ niệm 30 năm ngày lật đổ chế độ độc tài Marcos.
Hiện thời, cũng hàng trăm nghìn người ăn mừng trên các đường phố Philippines để tung hô Thị trưởng Duterte (người tự phong mình cái danh hiệu “kẻ trừng phạt”) chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines. Ông Duterte đắc cử tổng thống với cam kết sẽ tiến hành một "cuộc chiến tranh đẫm máu" chống tội phạm và thẳng tay tiễu trừ vấn nạn tội phạm, tham nhũng. Ông đã đề ra một giải pháp dễ dàng cho những vấn đề rất lớn và phức tạp, trong khi nhiều lần nói rằng để đạt được mục tiêu này, ông sẵn sàng bỏ qua các giá trị dân chủ.
Vi sao Thi truong Duterte dac cu Tong thong Philippines?
Thị trưởng Rodrigo Duterte tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines. Ảnh Telegraph 
"Hãy quên đi luật pháp và nhân quyền", Rodrigo Duterte đã hét lên trước những người ủng hộ ông. Ông Duterte sẵn sàng giải tán Quốc hội nếu cơ quan lập pháp này dám chống lại tổng thống. Ông sẽ thiết quân luật và dựng lên một "chính quyền cách mạng.
Nghèo đói, tham nhũng và tội phạm
Vào lúc bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines, không một ai có thể nghĩ rằng Thị trưởng Duterte lại đắc cử . Ông Duterte đã khôn khéo tự coi mình là một người ngoài cuộc và chống lại tình trạng tội phạm, tham nhũng tràn lan ở Philippines. Những phát biểu gây sốc của ông đã “gãi đúng chỗ ngứa” của đông đảo cử tri “thấp cổ bé họng” vốn phản đối tầng lớp thượng lưu cầm quyền ở Manila.
Trong suốt 30 năm qua, các chính quyền dân chủ ở Manila đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề lớn nhất của đất nước – tình trạng nghèo đói, tham nhũng tràn lan và tội phạm diễn ra hàng ngày. Thất bại của các chính khách “nói nhiều, làm ít” đã khiến cho dân chúng Philippines muốn có một vị tổng thống mạnh mẽ, một vị cứu tinh hoặc thậm chí một "kẻ trừng phạt".
Kết quả bầu cử vừa qua đặc biệt đau đớn đối với Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino, người đã chèo lái con thuyền kinh tế Philippines tăng trưởng liên tục trên 6%. Chỉ có điều, đại bộ phận dân chúng Philippines lại không được hưởng thành quả của việc tăng trưởng kinh tế ngoạn mục.
Tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến ở Philippines - với hơn 1/4 dân số sống với thu nhập khoảng 1 USD một ngày. Tổng thống Aquino đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim mô tả chính phủ của ông là sốt sắng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Tuy nhiên, sự cởi mở của chính quyền lại dẫn đến tranh luận thẳng thắn hơn về các vụ bê bối tham nhũng và khơi dậy tâm trạng thất vọng của công chúng đối với tầng lớp thượng lưu cầm quyền. Chính tâm trạng thất vọng với chính quyền đã dẫn đến đông đảo cử tri quay sang dồn phiếu bầu cho “kẻ trừng phạt” Rodrigo Duterte.
Ngoài ra, tỷ lệ tội phạm trong nước vẫn cao dưới thời Tổng thống Aquino, trong khi hệ thống tư pháp vẫn tiếp tục yếu kém và tỷ lệ kết án vẫn còn thấp. Sau 30 năm, nhiều nạn nhân dưới Tổng thống độc tài Marcos vẫn chưa được nhận một phán quyết công bằng, nhân danh công lý.
Trong một đất nước mà độ tuổi trung bình của dân số ở mức 23 tuổi, đại đa số dân chúng Philippines không nhớ đến những hồi ức kinh hoàng của chế độ độc tài. Thay vào đó, nhiều người đã mất niềm tin vào sự cai trị của “pháp luật và dân chủ”. Hơn nữa, với cảm giác bị bỏ rơi và bị gạt ra rìa xã hội, đông đảo cử tri trẻ tuổi ở Philippines muốn có một sự thay đổi triệt để.
Xét theo khía cạnh này, người ta có thể giải thích vì sao có đến 38% tổng số cử tri Philippines bỏ phiếu bầu Thị trưởng Rodrigo Duterte làm Tổng thống Philippines, một con người có xu hướng độc tài. Đây chính là một sự tổng hòa của nỗi thất vọng, sự thiếu hiểu biết về lịch sử... và khiến cho “kẻ trừng phạt” Duterte được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Philippines.
Nguy cơ chia rẽ xã hội
Luật pháp Philippines cho phép ông Duterte tuyên bố chiến thắng và đắc cử tổng thống, mặc dù ông chỉ giành được có 38% tổng số phiếu bầu. Đa số cử tri vẫnà chống lại ông Duterte và Philippines đang phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ xã hội cao độ.
Trong cuộc chạy đua vào vị trí Phó Tổng thống Philippines, ứng cử viên tự do Leni Robredo chỉ dẫn trước đối thủ là con trai của cựu độc tài Marcos có...200.000 phiếu bầu. Chính vì vậy mà Marcos “con” vẫn còn cơ may thắng cử.
Nếu hai nhà độc tài nói trên được bầu chọn lãnh đạo đất nước, nền dân chủ và pháp quyền ở Philippines sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nghiêm trọng.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)

Bình luận(0)