Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, đây là động thái nhằm củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
|
Toàn cảnh Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh Reuters |
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bầu giữ chức vụ “cao nhất” là Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (WPK), tại đại hội đảng lần đầu tiên trong vòng 36 năm qua và kéo dài bốn ngày.
Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cũng sửa đổi Điều lệ Đảng, trong đó quy định rằng chức vụ cao nhất là "Chủ tịch WPK và là lãnh tụ tối cao đại diện cho đảng và lãnh đạo toàn đảng”.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã giữ chức vụ cao nhất trong Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nhưng chức vụ trước đó của ông là Bí thư thứ nhất WPK. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Đại hội lần thứ 7 của WPK tái khẳng định đường lối đồng thời phát triển hạt nhân và kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và làm nổi bật vai trò lãnh đạo của WPK. Nhà lãnh đạo trẻ này đã chuyển trọng tâm vào WPK, trong khi đồng thời theo đuổi phát triển hạt nhân và kinh tế.
Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành một cuộc cải tổ ban lãnh đạo, nhưng không quyết liệt như người ta tưởng.
KCNA cho biết, tại Đại hội lần thứ 7, Ủy ban ban trung ương WPK đã bầu năm thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ chính trị, trong đó có nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bốn ủy viên thường trực Bộ Chính trị khác là Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong-so, Thủ tướng Pak Pong-ju và Bí thư Trung ương đảng Choe Ryong-hae.
Ủy ban Trung ương WPK cũng đã bầu 19 ủy viên chính thức và 9 ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, theo KCNA.
Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Su-yong là một trong số 19 ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không có tên trong trong danh sách này, nhưng đã được bầu làm một trong 129 ủy viên trung ương đảng.
Đại hội đảng lần thứ 7 cũng quyết định thành lập một văn phòng chính trị mới mang tên là "Cục điều hành chính sách” trực thuộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seong-chang tại Viện Sejong nói: "Cuộc cải tổ mới này không phải là một sự thay đổi thế hệ triệt để. Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã củng cố quyền lực của mình một cách ổn định”.
Các chuyên gia cho rằng điều đáng nói là Choe Ryong-hae đã được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị WPK, một dấu hiệu cho thấy ông Choe đã trở thành một trợ lý quan trọng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Choe Ryong-hae từng là một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trong năm 2014 và năm 2015. Ông từng được coi là nhân vật thứ ba ở CHDCND Triều Tiên vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ông này đã bị thất sủng và có tin nói bị cải tạo lao động ở một trang trại vào cuối năm ngoái. Đây là hình phạt về việc ông đã xử lý sai lầm về một dự án nhà máy thủy điện mới được xây dựng.
Tại cuộc cải tổ mới nhất, Choe Ryong-hae cũng được giữ chức phó chủ tịch một cơ quan mới đặc trách các vấn đề chính trị.
"Ông Choe lại trở thành một trong những phụ tá thân cận nhất của lãnh đạo Bắc Triều Tiên", Yang Moo-jin, một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho biết. "Ông ấy bây giờ được xem như nhân vật số 2 trong đảng”.
Sự thăng tiến của Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su-yong cũng là một điều đáng chú ý. Việc ông được bầu vào Bộ Chính trị cho thấy ông có thể thay thế Kang Sok-ju, một Bí thư Trung ương đảng đặc trách quan hệ quốc tế. Có tin nói, ông Kang Sok-ju đang ốm yếu.
Ông Ri Su-yong từng là một trong những người giám hộ Kim Jong-un, khi ông này theo học tại một trường quốc tế ở Thụy Sĩ trong những năm 1990.